MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đặt vòng hoa tại Nagasaki vào ngày 9.8.2020, kỷ niệm 75 năm ngày thành phố bị ném bom nguyên tử. Ảnh: AFP

Nagasaki Nhật Bản kỉ niệm 75 năm ngày bị ném bom nguyên tử

Phương Linh LDO | 09/08/2020 17:27
Ngày 9.8, thành phố Nagasaki, Nhật Bản đã tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày bị hủy diệt bởi một quả bom nguyên tử của Mỹ.

AFP đưa tin, sớm ngày 9.8, nhiều người dân đã tham dự một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom nguyên tử tại nhà thờ Urakami, gần địa điểm xảy ra vụ đánh bom, và một số người khác tham gia lễ tưởng niệm tại Công viên Hòa bình của thành phố.

Số lượng người tham gia đã giảm xuống còn khoảng 1/10 so với những năm trước. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.

Cụ Terumi Tanaka, 88 tuổi, nạn nhân sống sót sau vụ đánh bom ở Nagasaki khi mới 13 tuổi tại ngôi nhà của mình trên sườn đồi, nhớ lại khoảnh khắc mọi thứ trở nên sáng lòa và hậu quả sau đó: “Tôi nhìn thấy rất nhiều người bị những vết bỏng và vết thương khủng khiếp đang sơ tán... nhiều người đã chết trong một nơi trú ẩn tại một trường tiểu học”.

Cụ Tanaka tin rằng, ''thế giới phải từ bỏ vũ khí hạt nhân vì chúng ta không bao giờ muốn thế hệ trẻ trải qua điều tương tự".

Quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ thả xuống Hiroshima ngày 6.8.1945 đã cướp đi sinh mạng của 140.000 người. Ảnh: AFP
Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima vào ngày 6.8.1945, giết chết khoảng 140.000 người. Con số này bao gồm cả những người sống sót sau vụ nổ nhưng đã chết ngay sau đó vì nhiễm phóng xạ.

Ba ngày sau, 9.8.1945, Mỹ tiếp tục thả một quả bom nguyên tử khác xuống thành phố cảng Nagasaki, khiến 74.000 người thiệt mạng.

Ngày 15.8.1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng trong Thế chiến 2.

Mỹ chưa bao giờ đồng ý với yêu cầu của Nhật Bản về một lời xin lỗi cho những sinh mạng vô tội chết trong các vụ đánh bom nguyên tử, điều mà nhiều nhà sử học phương Tây tin rằng là cần thiết để kết thúc nhanh chóng cuộc chiến và tránh một cuộc xâm lược đất liền có thể còn tốn kém hơn.

Năm 2016, ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima. Ông không đưa ra lời xin lỗi nào về vụ tấn công, nhưng ôm hôn những người sống sót và kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Năm 2019, Giáo hoàng Francis đã gặp gỡ một số người sống sót trong chuyến thăm Hiroshima và Nagasaki, bày tỏ lòng thành kính trước "nỗi kinh hoàng không thể diễn tả bằng lời" mà các nạn nhân phải chịu đựng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn