MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm Atamanskaya của đường ống dẫn khí Power of Siberia từ Nga sang Trung Quốc. Ảnh: VCG

Năng lượng thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với các nước sân sau của Nga

Ngọc Vân LDO | 18/05/2023 21:00
Trung Quốc đang ngày càng coi Trung Á - theo truyền thống được coi là sân sau của Nga - là đối tác năng lượng lớn.

Trung Quốc - Trung Á tăng cường hợp tác năng lượng

SCMP đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những người đồng cấp từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan có mặt tại thành phố Tây An, tây bắc Trung Quốc, để tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á trong hai ngày 18-19.5.

Cui Shoujun, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: “Là một khu vực láng giềng với Trung Quốc, Trung Á có vị trí nổi bật trong bối cảnh ngoại giao tổng thể của Trung Quốc. Hợp tác năng lượng là phương tiện hiệu quả để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác, từ kinh tế đến an ninh và các vấn đề chính trị”. 

Trải dài từ Trung Quốc ở phía đông đến biển Caspi ở phía tây, Trung Á - theo truyền thống được coi là sân sau của Nga - có trữ lượng dầu, khí đốt và than đá dồi dào, đặc biệt là ở Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Tajikistan và Kyrgyzstan còn có tiềm năng thủy điện rất lớn chưa được khai thác.

Hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Trung Á bắt đầu từ những năm 1990, khi Bắc Kinh, sau hơn hai thập kỷ mở cửa kinh tế, đã thúc đẩy các doanh nghiệp của mình đầu tư ra nước ngoài.

Năm 1997, thương vụ mua lại đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) là 60% cổ phần của Aktobemunaigas, công ty dầu khí ở tỉnh Aktobe phía tây bắc Kazakhstan.

Được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi là “hình mẫu hợp tác” giữa Trung Quốc và Kazakhstan, thỏa thuận này đã mở đường cho việc xây dựng một đường ống dẫn dầu dài 2.200 km để vận chuyển dầu từ Kazakhstan tới Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc - một khu vực biên giới quan trọng đối với sự ổn định chính trị và sắc tộc của nước này.

Trung Quốc tiến sâu hơn vào Trung Á vào năm 2009 khi Chủ tịch Trung Quốc khi đó, ông Hồ Cẩm Đào, cùng những người đồng cấp từ Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan có mặt tại Samandepe ở miền đông Turkmenistan để khởi động đường ống dẫn khí đốt Trung Á - Trung Quốc.

Đây là dự án khí đốt xuyên biên giới đầu tiên mà Trung Quốc tham gia cùng 4 quốc gia Trung Á. Trong những năm tiếp theo, hai đường ống khác bắt đầu hoạt động.

Họp báo ngày 16.5.2023 về Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Đối tác năng lượng ổn định

Zhu Yongbiao - giáo sư tại Trường Chính trị và Quan hệ quốc tế của Đại học Lan Châu - cho biết, so với các cường quốc khác, Trung Quốc là “đối tác năng lượng ổn định và đáng tin cậy” của các nước Trung Á.

Mỹ - bản thân là một nhà xuất khẩu khí đốt - nhưng chủ yếu mua xăng dầu từ Canada, Mexico và Saudi Arabia. 

Theo truyền thống, Nga là nhà nhập khẩu lớn các nguồn năng lượng từ Trung Á, tuy nhiên, sự bất đồng về giá cả và các vấn đề cung cấp đã phủ bóng đen lên thương mại năng lượng và nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp đang gia tăng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Trong khi đó, việc thiếu cơ sở hạ tầng đã khiến châu Âu không thể tìm nguồn cung ứng nhiên liệu từ các nước Trung Á, ít nhất là trong thời gian tới.

“Đây là lý do Trung Quốc đã trở thành một thị trường quan trọng và rất hứa hẹn đối với các quốc gia này. Hợp tác năng lượng với Trung Quốc cũng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển chung của Trung Á” - giáo sư Zhu nói.

Ông cho biết khí đốt và dầu nhập khẩu từ Trung Á được coi là an toàn hơn và rẻ hơn, với giá thường chỉ bằng 10% so với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Xét về rủi ro an toàn, hàng nhập khẩu từ Trung Á có những lợi thế khác biệt so với hàng được vận chuyển bằng tàu hoặc đường sắt.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (giữa) đến Tây An chiều 17.5 dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á. Ảnh: Xinhua

Theo Erica Downs, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và Trung Á dường như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraina.

Năm ngoái, Trung Á đã cung cấp hơn 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống của Trung Quốc - phần lớn từ Turkmenistan, quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ tư thế giới sau Qatar, Iran và Nga. Trung Quốc cũng nhập khẩu khí đốt từ Trung Á nhiều gấp 2,5 lần so với từ Nga.

Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc cho biết công việc đã bắt đầu trên đường ống dẫn khí đốt thứ tư bị trì hoãn từ lâu - được gọi là Tuyến D - giữa Tân Cương và Turkmenistan qua Kyrgyzstan và Uzbekistan. 

Sáu tháng sau tại Mátxcơva, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận về đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) - đường ống sẽ cung cấp 50 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ bán đảo Yamal của Nga ở phía tây Siberia đến Trung Quốc qua Mông Cổ.

Tuy nhiên, việc thi công Tuyến D đã nhiều lần bị hoãn và chưa biết khi nào mới hoàn thành. Cũng không rõ khi nào việc xây dựng dự án Sức mạnh Siberia 2 sẽ bắt đầu.

Các nhà quan sát cho rằng điều này nhấn mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của Bắc Kinh hiện là ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh năng lượng của Trung Quốc.

“Điều đáng chú ý là Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào Trung Á hơn là Nga về khí đốt, nên việc tăng nhập khẩu khí đốt Nga giúp Trung Quốc đa dạng hóa nhập khẩu từ Trung Á” - học giả Downs nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn