MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nắng nóng ở Cannes, Pháp, tháng 7.2022. Ảnh: Xinhua

Nắng nóng, hạn hán, hỏa hoạn: Lịch sử sẽ lặp lại ở châu Âu

Song Minh LDO | 21/06/2023 19:32
Năm 2022, tình trạng khí hậu cực đoan của châu Âu với nắng nóng, hạn hán, hỏa hoạn sẽ không chỉ xảy ra một lần.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây ra thiệt hại to lớn đối với châu Âu, nơi đã bị tàn phá bởi nhiệt độ cực cao, hạn hán, cháy rừng và sông băng tan chảy vào năm ngoái.

CNN dẫn báo cáo chung của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho thấy, mùa hè năm ngoái là mùa hè nóng nhất được ghi nhận ở Châu Âu và gây ra hơn 16.000 ca tử vong.

“Thật không may, điều này không thể được coi là sự cố xảy ra một lần hoặc điều kỳ lạ của khí hậu” - Carlo Buontempo, Giám đốc Copernicus, cho biết trong một tuyên bố.

Ông nói thêm, sự hiểu biết hiện tại về hệ thống khí hậu “cho chúng ta biết rằng, những loại hình thời tiết cực đoan này sẽ xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên toàn khu vực”.

Một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Italy, đã chứng kiến những năm nóng nhất được ghi nhận vào năm 2022.

Theo báo cáo, châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất trên thế giới và đang nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong bốn thập kỷ qua.

Lục địa này không chỉ nóng mà còn cực kỳ khô hạn, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và nguồn cung cấp nước. Nhiều khu vực của lục địa có lượng mưa rất thấp vào năm ngoái, trong đó Pháp trải qua thời kỳ khô hạn nhất từ ​​tháng 1 đến tháng 9.

Lòng sông Danube khô cạn ở Teleorman, Romania, ngày 7.8.2022. Ảnh: Xinhua

Tại Tây Ban Nha, trữ lượng nước giảm xuống chỉ còn hơn 40% công suất.

Hạn hán kéo dài và nhiệt độ cao đã gây ra các vụ cháy rừng dữ dội. Châu Âu là khu vực bị cháy lớn thứ hai được ghi nhận vào năm 2022, đặc biệt là Trung Âu và Địa Trung Hải, chứng kiến những khu vực rộng lớn bị lửa thiêu rụi.

Các sông băng ở dãy núi Alps ở châu Âu đã có một năm tồi tệ, mất khối lượng băng kỷ lục do lượng tuyết rơi thấp, nhiệt độ ấm áp và bụi sa mạc Sahara, khiến các sông băng trở nên sẫm màu hơn, nghĩa là chúng hấp thụ nhiều nhiệt hơn và tan chảy nhanh hơn.

Các đại dương cũng ấm áp bất thường, với nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình ở Bắc Đại Tây Dương nóng nhất từng được ghi nhận.

Báo cáo cho thấy, tỉ lệ ấm lên ở các vùng của Địa Trung Hải, Biển Baltic, Biển Đen và Nam Bắc Cực cao hơn ba lần so với mức trung bình toàn cầu.

Với sự xuất hiện của El Niño - hiện tượng khí hậu tự nhiên có tác động làm trái đất nóng lên - nhiều nhà khoa học lo ngại rằng, năm 2023 có thể chứng kiến các hiện tượng khí hậu cực đoan nghiêm trọng hơn.

Cháy rừng ở Cebreros, Castilla y Leon, Tây Ban Nha, ngày 21.7.2022. Ảnh: Xinhua

Nhưng cũng có những dấu hiệu đầy hy vọng. Báo cáo cho thấy, năng lượng tái tạo lần đầu tiên tạo ra nhiều điện hơn nhiên liệu hóa thạch vào năm ngoái. Điện gió và điện mặt trời chiếm 22,3% sản lượng điện của EU, trong khi khí hóa thạch chiếm 20% và điện than chiếm 16%.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho hay, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng ít carbon là rất quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn