MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Bangkok, Thái Lan trùm kín mít trong nắng nóng 43 độ C ngày 3.4.2024. Ảnh: Xinhua

Nắng nóng thiêu đốt ở khắp nơi

Song Minh LDO | 27/04/2024 08:19

Nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hàng triệu người khắp Nam và Đông Nam Á.

CNA đưa tin, nắng nóng gay gắt đã buộc các trường học trên khắp Bangladesh và Philippines phải tạm dừng các lớp học trực tiếp trong tuần này và khiến các chính phủ đưa ra cảnh báo về nhiệt độ cao.

Thái Lan hôm 25.4 đưa ra cảnh báo mới sau khi chỉ số nhiệt ở Bangkok vượt trên 52 độ C. Chính phủ Thái Lan cho biết, nắng nóng đã khiến ít nhất 30 người tử vong từ đầu năm đến nay.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các mối nguy hiểm về khí hậu và thời tiết vào năm 2023, trong đó, lũ lụt và bão là nguyên nhân chính gây thương vong và thiệt hại kinh tế.

Ở Philippines, tàn tích 300 năm tuổi vốn bị nhấn chìm khi xây đập ở Pantabangan ở tỉnh Nueva Ecija vào những năm 1970 đã xuất hiện trở lại khi mực nước giảm do hạn hán ảnh hưởng đến nhiều vùng đất nước. Đây là lần thứ sáu tàn tích này xuất hiện trở lại.

Tàn tích vốn bị ngập nước ở Nueva Ecija, Philippines xuất hiện trở lại do hạn hán. Ảnh: AFP

Các tháng 3, 4 và 5 thường là những tháng nóng nhất và khô nhất ở quốc đảo này, nhưng thời tiết năm nay càng trở nên trầm trọng hơn do El Nino.

Mực nước hồ chứa đã giảm gần 50m so với mức cao thông thường là 221m.

Nhiệt độ không khí thực tế ở Nueva Ecija đã lên tới khoảng 37 độ C hầu hết các ngày trong tuần này, với chỉ số nhiệt lơ lửng trên mức "nguy hiểm" là 42 độ C.

Ở Bangladesh, nhiệt độ trên khắp đất nước đã lên tới hơn 42 độ C trong tuần qua.

Nắng nóng đã khiến hàng nghìn người Bangladesh tập trung tại các nhà thờ Hồi giáo trong thành phố và các cánh đồng nông thôn để cầu mưa.

Hàng triệu học sinh được yêu cầu ở nhà trong tuần này khi quốc gia Nam Á phải trải qua một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất được ghi nhận, với nhiệt độ cao hơn mức trung bình dài hạn từ 4 đến 5 độ C.

“Nắng nóng không thể chịu nổi. Trường học đóng cửa nhưng tôi không thể học ở nhà. Quạt điện cũng không ăn thua, chưa kể thỉnh thoảng lại mất điện 1-2 tiếng” - một học sinh nói.

Bangladesh với 171 triệu dân đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, thường xuyên bị tàn phá bởi các bão và lũ lụt với tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.

Tại Ấn Độ, bất chấp nắng nóng gay gắt, cuộc bầu cử kéo dài 6 tuần vẫn tiếp tục vòng hai vào ngày 26.4 với hàng triệu người xếp hàng bên ngoài các điểm bỏ phiếu ở nhiều vùng trên cả nước.

Nắng nóng ở Vrindavan, Ấn Độ ngày 26.4.2024. Ảnh: AFP

Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu vòng một, vào tuần trước đã giảm gần 4%, xuống còn 66% so với cuộc bầu cử năm 2019, khiến các phương tiện truyền thông Ấn Độ suy đoán rằng, nhiệt độ cao hơn mức trung bình là nguyên nhân.

Đầu tuần này, ủy ban bầu cử Ấn Độ cho biết đã thành lập một đội đặc trách để xem xét tác động của nắng nóng và độ ẩm trước mỗi vòng bầu cử.

Tờ Hindu cho rằng, quyết định này có thể được đưa ra vì lo ngại rằng, nắng nóng gay gắt "có thể khiến tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm".

Tại Việt Nam, bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 27.4 - 1.5, nắng nóng và nắng nóng gay gắt xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn