MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu sân bay Sao Paulo. Ảnh: Wiki

Náo loạn sau vụ đánh chìm tàu sân bay ở Đại Tây Dương

Song Minh LDO | 06/02/2023 11:47
Vụ đánh chìm tàu sân bay của Hải quân Brazil gây ra sự phản đối kịch liệt từ các nhà bảo vệ môi trường.

Các nhóm môi trường đã phản ứng giận dữ sau khi Hải quân Brazil đánh chìm hàng không mẫu hạm cũ ở Đại Tây Dương. Ban đầu, con tàu dự kiến ​​sẽ được tháo dỡ để lấy sắt vụn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bị nước này từ chối.

“Vụ đánh chìm có kiểm soát” tàu Sao Paulo nặng 32.800 tấn diễn ra vào chiều muộn ngày 3.2, cách bờ biển Brazil khoảng 350km ở độ sâu khoảng 5.000m - Hải quân Brazil ra tuyên bố cho hay. Theo tuyên bố, nơi an nghỉ cuối cùng của chiến hạm được lựa chọn sau khi xem xét các khía cạnh về hàng hải, môi trường và kinh tế.

Quyết định đánh chìm tàu chiến được đưa ra sau khi công ty Sok Denizcilik của Thổ Nhĩ Kỳ được ủy quyền tháo dỡ tàu lấy phế liệu vào năm ngoái. Bộ Quốc phòng Brazil gọi đây là “nỗ lực chưa từng có” nhằm tái chế tàu theo cách “an toàn và thân thiện với môi trường”.

Tuy nhiên, sau khi tàu bắt đầu di chuyển, Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn thủ tục này do lo ngại từ các cơ quan quản lý môi trường. Brazil buộc phải đưa tàu sân bay về nước nhưng không cho cập cảng vì “nguy cơ cao” đối với môi trường.

Do tàu Sao Paulo đối mặt với nguy cơ tự chìm do vấn đề về độ nổi, Bộ Quốc phòng Brazil cho hay, không có lựa chọn nào khác ngoài việc "tháo dỡ thân tàu thông qua việc đánh chìm có kế hoạch và có kiểm soát".

Mặc dù Brazil đánh chìm con tàu trong một khu vực được lựa chọn đặc biệt, động thái này đã thu hút sự phẫn nộ của các nhà hoạt động môi trường. Trong một tuyên bố hôm 4.2, Mạng lưới hành động phi chính phủ Basel cho biết, con tàu chứa khoảng 760 tấn amiang nguy hiểm và hàng trăm tấn chất độc hại khác, bao gồm cả sơn chứa nhiều kim loại nặng.

Tổ chức khẳng định rằng, vụ chìm tàu chắc chắn sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái biển ở khu vực này trong nhiều năm tới.

Sao Paulo là tàu sân bay lớp Clemenceau ban đầu được Hải quân Pháp đưa vào hoạt động với tên gọi Foch vào năm 1963. Con tàu có thể chở khoảng 40 máy bay được bàn giao cho Brazil vào năm 2000, trở thành soái hạm mới của nước này. Sau khi bị ảnh hưởng bởi các vấn đề bảo trì, Sao Paulo đã ngừng hoạt động vào năm 2017.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn