MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường sọc bí ẩn ở Siberia, Nga. Ảnh: NASA

NASA bối rối với ảnh vệ tinh bí ẩn ở Nga

Song Minh LDO | 28/02/2021 07:44
Những đường sọc bí ẩn được phát hiện trong ảnh vệ tinh ở Nga đang làm NASA đang bối rối.

Gần sông Markha ở Siberia, Nga, trái đất gợn sóng theo những cách mà các nhà khoa học chưa hiểu hết.

Đầu tuần này, các nhà nghiên cứu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đăng một loạt ảnh vệ tinh về cảnh quan kỳ lạ lên website - tờ Live Science đưa tin.

Được chụp bằng vệ tinh Landsat 8 trong nhiều năm, các bức ảnh cho thấy vùng đất ở hai bên sông Markha gợn sóng với các sọc sáng tối xen kẽ. Hiệu ứng khó hiểu có thể nhìn thấy trong cả bốn mùa, nhưng nó rõ ràng nhất vào mùa đông, khi tuyết trắng làm cho mô hình tương phản càng rõ ràng hơn.

Tại sao khu vực đặc biệt này của Siberia lại có nhiều sọc như vậy? Các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn và một số chuyên gia đã đưa ra những lời giải thích mâu thuẫn của NASA.

Các đường sọc thay đổi theo mùa hè, thu, đông (từ trái sang). Ảnh: NASA

Một lời giải thích khả thi là mặt đất băng giá. Theo NASA, khu vực thuộc Cao nguyên Trung Siberia này có khoảng 90% thời gian trong năm bị bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu, mặc dù thỉnh thoảng tan băng trong những khoảng thời gian ngắn.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 1.2003 trên tạp chí Science, các nhà khoa học cho biết, những mảnh đất liên tục đóng băng, tan băng và đóng băng lại có thể để lại hình tròn hoặc sọc lạ được gọi là mặt đất có hoa văn. Hiệu ứng này xảy ra khi đất và đá tự phân loại tự nhiên trong chu kỳ đóng băng-tan băng.

Tuy nhiên, các ví dụ khác về mặt đất có hoa văn - chẳng hạn như các vòng tròn bằng đá ở Svalbard, Na Uy - có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các đường sọc được thấy ở Siberia.

Một cách giải thích khác có thể là xói mòn. Thomas Crafford, một nhà địa chất học của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nói với NASA rằng, các sọc này giống như một mô hình trong đá trầm tích được gọi là địa chất lớp bánh.

Những mô hình này xảy ra khi tuyết tan hoặc mưa nhỏ giọt xuống dốc, làm nứt nẻ và đẩy các mảnh đá trầm tích thành đống. Crafford cho biết, quá trình này có thể làm lộ ra các phiến trầm tích trông giống như lát của một chiếc bánh, với các sọc đậm hơn biểu thị các khu vực dốc hơn và các sọc nhạt hơn biểu thị các khu vực phẳng hơn.

Phù hợp với hình ảnh trên, kiểu phân lớp trầm tích này sẽ nổi bật hơn vào mùa đông, khi tuyết trắng đọng lại trên các khu vực bằng phẳng, khiến chúng có vẻ nhẹ hơn. Hình thái mờ dần khi nó đến gần sông, nơi trầm tích tập trung thành những đống đồng đều hơn dọc theo bờ sau hàng triệu năm xói mòn, Crafford nói thêm.

Theo NASA, lời giải thích này có vẻ phù hợp. Nhưng cho đến khi khu vực này có thể được nghiên cứu kỹ hơn, nó sẽ vẫn là một trong những điểm tò mò bí ẩn của Siberia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn