MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sao Hỏa có lớp vỏ mỏng, lớp phủ vừa phải và lõi khổng lồ. Ảnh: IPGP

NASA có bản đồ đầu tiên về cấu tạo sao Hỏa

Hải Anh LDO | 23/07/2021 07:34
Bí ẩn bên trong sao Hỏa được các nhà khoa học giải mã qua bản đồ chi tiết đầu tiên được sứ mệnh InSight của NASA thực hiện.

Bản đồ lõi sao Hỏa đầu tiên được công bố ngày 22.7 trên tạp chí Science nêu bật những khác biệt lớn của hành tinh đỏ với Trái đất.

Bản đồ cấu tạo sao Hỏa là thành quả của 2 năm nghiên cứu và nhiều thập kỷ lên kế hoạch của NASA. Trong nghiên cứu này, tàu đổ bộ InSight của NASA - robot khoa học cố định được triển khai trên sao Hỏa năm 2018 đã thực hiện sứ mệnh duy nhất là nghiên cứu những phần không nhìn thấy được bên trong hành tinh đỏ.

Khoảng một tháng sau khi hạ cánh xuống sao Hỏa ở khu vực đồng bằng Elysium Planitia, tàu thăm dò InSight của NASA dùng cánh tay robot để lắp đặt một máy đo địa chấn nhỏ trên bề mặt sao Hỏa và bắt đầu lắng nghe các trận động đất sao Hỏa.

"Không giống Trái đất, sao Hỏa không có mảng kiến ​​tạo; thay vào đó, lớp vỏ của nó giống như một mảng khổng lồ" - các nhà nghiên cứu cho hay.

"Nhưng các đứt gãy, hay các vết nứt đá, vẫn hình thành trong lớp vỏ sao Hỏa do sức ép từ sự co lại nhẹ của hành tinh khi nó tiếp tục nguội đi" - các nhà khoa học chia sẻ thêm.

Máy đo địa chấn SEIS của tàu đổ bộ InSight của NASA trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Những vết đứt gãy này ở vỏ sao Hỏa có thể dẫn đến rung động địa chấn. Trong 2 năm qua, tàu InSight của NASA đã phát hiện ra 733 vết nứt. Thông qua 35 trận động đất sao Hỏa lớn nhất (từ 3,0 đến 4,0 độ richter), các nhà nghiên cứu NASA tính toán tốc độ và quãng đường sóng địa chấn ở sao Hỏa và qua đó lập bản đồ cấu trúc bên trong sao Hỏa.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, giống như Trái đất, bên trong sao Hỏa gồm 3 lớp - lớp vỏ, lớp phủ và lõi. Tuy nhiên, kích thước và thành phần của các lớp này ở sao Hỏa và Trái đất có sự khác biệt đáng kể.

Lớp vỏ sao Hỏa mỏng hơn dự đoán của các nhà nghiên cứu, chỉ sâu khoảng 20 đến 37km và có 2 hoặc 3 phân lớp. Trong khi đó, lớp vỏ Trái đất có độ sâu tối đa khoảng 100km.

Bên dưới lớp vỏ sao Hỏa là lớp phủ khá lớn, sâu tới 1.560km dưới bề mặt hành tinh này. Độ dày của lớp phủ sao Hỏa được đánh giá là chưa đủ cách nhiệt có thể làm tăng thêm sự mất nhiệt của sao Hỏa thời trẻ. Thêm vào đó, lớp phủ này cũng có thể giải thích một phần lý do sao Hỏa mất từ ​​trường bảo vệ trong 700 triệu năm đầu tiên trong lịch sử hành tinh.

Tiếp đó, lõi khổng lồ của sao Hỏa có chiều sâu bằng một nửa khoảng cách từ tâm hành tinh tới bề mặt. Lõi sao Hỏa, cũng nóng chảy giống như lõi ngoài của Trái đất, vừa lớn hơn vừa lỏng hơn so với dự kiến của các nhà khoa học.

Hiện giới chuyên môn vẫn chưa biết liệu sao Hỏa có chứa lõi rắn bên trong như Trái đất hay không. Dù vậy, việc đo đạc lõi bên ngoài của hành tinh chỉ sau vài năm nghiên cứu đã là một thành tựu đáng kể.

“Các nhà khoa học đã mất hàng trăm năm để đo lõi Trái đất. Sau các sứ mệnh của Apollo, họ mất 40 năm để đo lõi Mặt trăng. InSight chỉ mất 2 năm để đo lõi của sao Hỏa" - Simon Stahler, tác giả chính của một trong ba nghiên cứu bên trong sao Hỏa mới công bố, cho hay. Ông là giáo sư khoa học Trái đất tại trường đại học nghiên cứu ETH Zurich, Thụy Sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn