MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô phỏng hành tinh WASP-107 b. Ảnh: NASA

NASA giải mã bí ẩn về hành tinh khổng lồ cỡ sao Mộc

Thanh Hà LDO | 22/05/2024 16:16

NASA gần đây đã giải mã được bí ẩn về hành tinh WASP-107 b có lớp khí khổng lồ bao bọc nằm cách Trái đất khoảng 200 năm ánh sáng.

NASA cuối cùng đã tìm ra lý do một ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) xa xôi, có mật độ vật chất như viên kẹo dẻo đã được quay trong lò vi sóng lại có bầu không khí bồng bềnh, Newsweek đưa tin.

WASP-107 b là một hành tinh khí khổng lồ nằm cách Trái đất khoảng 200 năm ánh sáng, có cùng kích thước với sao Mộc nhưng có khối lượng chỉ vào khoảng 1/10.

Gần đây, 2 nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature đã tìm hiểu về cách hành tinh này có được bầu khí quyển với mật độ không khí thấp như vậy.

Hành tinh WASP-107 b được phát hiện lần đầu vào năm 2017 khi đang quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách khoảng 8,2 triệu km, gần bằng với quỹ đạo 150 triệu km của Trái đất quanh Mặt trời. WASP-107 b di chuyển quanh ngôi sao chủ theo chu kỳ 5,7 ngày.

Hành tinh WASP-107 b gần bằng sao Mộc và có khối lượng bằng 30,5 Trái đất, trong khi sao Mộc có khối lượng bằng 318 Trái đất.

Điều này có nghĩa là WASP-107 b là một trong những hành tinh có mật độ vật chất thấp nhất từng được phát hiện.

“Dựa trên bán kính, khối lượng, độ tuổi và giả định nhiệt độ bên trong, chúng tôi nghĩ WASP-107 b có lõi đá rất nhỏ với một khối lượng lớn hydro và heli bao quanh.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là làm thế nào một lõi nhỏ có thể hút được nhiều không khí như vậy và sau đó lại chẳng phát triển toàn diện thành một hành tinh có khối lượng như sao Mộc" - Luis Welbanks, nhà nghiên cứu tại Đại học bang Arizona (ASU), Mỹ - đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Mô phỏng lõi của hành tinh WASP-107 b. Ảnh: Đại học Johns Hopkins

Theo các nghiên cứu, hành tinh WASP-107 b có thể đã phát triển đến kích thước lớn như sao Mộc nhưng có khối lượng nhẹ hơn do lõi nóng hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy hành tinh này có ít khí methane trong khí quyển so với nhận định ban đầu.

Theo David Sing, giáo sư Khoa học Trái đất và Hành tinh tại Đại học Johns Hopkins, điều bí ẩn là các nhà khoa học không biết tại sao lượng khí methane ở hành tinh này lại thấp đến vậy.

Dữ liệu do kính viễn vọng không gian James Webb thu thập cho thấy, WASP-107 b có lượng khí methane ít hơn 1.000 lần so với dự kiến. Điều này cho thấy bên trong hành tinh này rất nóng.

Ngoài ra, nồng độ khí methane thấp hơn và nhiệt độ cao hơn cho thấy WASP-107 b có lõi đặc biệt lớn - gấp 12 lần khối lượng lõi Trái đất.

Đồng tác giả Mike Line - nhà nghiên cứu Đại học bang Arizona, Mỹ - cho biết: “Dữ liệu Webb cho thấy, những hành tinh như WASP-107 b không hình thành theo cách kỳ lạ nào đó với lõi siêu nhỏ và lớp vỏ khí khổng lồ.

Thay vào đó, chúng ta có thể dùng một mô phỏng nào đó như sao Hải Vương, với nhiều đá và không nhiều khí, sau đó tăng nhiệt độ lên để xem diễn tiến".

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sử dụng những kỹ thuật này để kiểm tra bầu khí quyển và nhiệt độ của các ngoại hành tinh khác trong thiên hà nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài Trái đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn