MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh mô tả ngoại hành tinh có tính chất giống Trái đất, mới được NASA phát hiện. Ảnh: NASA

NASA phát hiện hành tinh hiếm giống Trái đất

Anh Vũ LDO | 15/01/2023 06:56
Trong nỗ lực tìm kiếm sự sống bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta, các hành tinh gần giống Trái đất dường như là một nơi tốt để các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu. 

Hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống mới được phát hiện gần đây mang tên TOI 700 e.

TOI 700 e đã được xác nhận quay quanh quỹ đạo của TOI 700, ngôi sao của nó, với khoảng cách đủ để sự sống có cơ hội phát triển.

Tại đây, nước có thể tồn tại trên bề mặt của nó ở dạng lỏng khi nhiệt độ thích hợp. Những hành tinh với nhiệt độ như vậy được coi là "phù hợp" cho sự sống.

TOI 700 e được tìm thấy và đặt tên theo Vệ tinh Khảo sát Exoplanet Quá cảnh của NASA, hay còn gọi là TESS, (TOI là viết tắt cho Đối tượng Quan tâm của TESS).

Đây là hành tinh thứ hai có quỹ đạo thuộc vùng có thể ở được trong hệ sao này, bên cạnh TOI 700 d được phát hiện vào năm 2020.

Bà Emily Gilbert, từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) ở California, cho biết: “Đây là một trong số ít hệ thống có nhiều hành tinh nhỏ tại vùng có thể ở được mà chúng ta biết.

Hình ảnh mô tả hành tinh TOI 700 e và “hàng xóm” TOI 700 d từ xa. Ảnh: NASA

Điều đó làm cho hệ thống TOI 700 trở thành một triển vọng thú vị để theo dõi thêm. Hành tinh e nhỏ hơn hành tinh d khoảng 10%, cho thấy các quan sát của TESS giúp chúng ta tìm ra những thế giới ngày càng nhỏ hơn như thế nào”.

TOI 700 là một ngôi sao nhỏ, lạnh (được gọi là sao lùn M), nằm cách chúng ta khoảng 100 năm ánh sáng, trong chòm sao Dorado.

Những ngôi sao này không lớn hoặc nóng bằng Mặt trời của chúng ta, vì vậy các hành tinh cần ở gần chúng hơn để có đủ điều kiện để nước không bị đóng băng.

TOI 700 e được cho là có kích thước bằng 95% Trái đất và chủ yếu là đá. Không như TOI 700 e, TOI 700 d nằm trong vùng có thể ở được hẹp hơn, là nơi các nhà thiên văn học cho rằng nước ở thể lỏng có thể xuất hiện trong phần lớn thời gian tồn tại của một hành tinh.

TOI 700 e mất 28 ngày để thực hiện một quỹ đạo duy nhất, trong khi TOI 700 d, xa hơn một chút so với hàng xóm của nó, mất tới 37 ngày. Vì TOI 700 e nhỏ hơn TOI 700 d nên cần nhiều dữ liệu hơn để xác nhận.

Nhà vật lý thiên văn Ben Hord từ Đại học Maryland cho biết: “Nếu ngôi sao ở gần hơn một chút hoặc hành tinh lớn hơn một chút, chúng ta có thể đã phát hiện ra TOI 700 e sớm hơn. Nhưng tín hiệu quá yếu nên chúng tôi cần thêm một năm quan sát để xác định nó”.

TESS đang theo dõi khoảng 100 triệu ngôi sao, rất có thể một ngày nào đó, con người có thể tìm ra hành tinh giống với Trái đất.

Cả TOI 700 e và TOI 700 d đều được cho là bị khóa thủy triều. Nói cách khác, một mặt của hành tinh luôn hướng về phía ngôi sao của nó (giống như cách Mặt trăng luôn hướng một mặt về phía Trái đất).

Việc một mặt của hành tinh liên tục bị “nướng” dưới ánh sáng từ mặt trời hoặc một nguồn sáng tương tự sẽ làm giảm khả năng tồn tại một sự sống phức tạp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn