MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu quỹ đạo sao Hỏa MRO của NASA. Ảnh: NASA

NASA phát hiện kinh ngạc về thời điểm nước còn chảy trên sao Hỏa

Thanh Hà LDO | 27/01/2022 07:20

Tàu quỹ đạo sao Hỏa MRO của NASA phát hiện nước chảy trên sao Hỏa lâu hơn suy nghĩ trước đây.

Sao Hỏa từng có sông và ao hồ cách đây hàng tỉ năm, cung cấp môi trường sống tiềm năng cho sự sống vi sinh vật, NASA cho hay. Khi bầu khí quyển của hành tinh mỏng đi theo thời gian, lượng nước đó bốc hơi, để lại thế giới sa mạc đóng băng mà tàu quỹ đạo sao Hỏa MRO của NASA nghiên cứu ngày nay.

Có nhận định rằng nước trên sao Hỏa đã bốc hơi khoảng 3 tỉ năm trước. Nhưng hai nhà khoa học nghiên cứu dữ liệu tích lũy  quan sát sao Hỏa trong 15 năm qua của tàu quỹ đạo MRO và tìm thấy bằng chứng rút ngắn đáng kể thời gian của nước trên sao Hỏa.

Nghiên cứu mới cho thấy dấu hiệu của nước lỏng trên hành tinh đỏ ở thời điểm cách đây khoảng 2 tỉ đến 2,5 tỉ năm, nghĩa là nước chảy lâu hơn khoảng một tỉ năm so với các ước tính trước đây.

Tàu quỹ đạo MRO của NASA chụp ảnh vùng Bosporos Planum trên sao Hỏa. Các đốm trắng là cặn muối được tìm thấy trong một kênh khô cạn. Ảnh: NASA

NASA thông tin ngày 26.1, phát hiện mới về nước trên sao Hỏa được công bố trên AGU Advances ngày 27.12.2021 tập trung vào trầm tích muối clorua bị bỏ lại khi nước băng giá chảy qua cảnh quan bốc hơi.

Trong khi hình dạng của các mạng lưới thung lũng nhất định gợi ra khả năng nước có thể đã chảy trên sao Hỏa, trầm tích muối cung cấp bằng chứng khoáng chất đầu tiên xác nhận sự hiện diện của nước lỏng.

Khám phá đặt ra câu hỏi mới về việc sự sống của vi sinh vật có thể tồn tại được bao lâu, nếu sự sống trên sao Hỏa từng hình thành. Trên Trái đất, ít nhất, nơi nào có nước, nơi đó có sự sống.

Tác giả chính là Ellen Leask đã thực hiện phần lớn nghiên cứu tại Caltech ở Pasadena trong thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Leask hiện là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins. 

Theo NASA, Leask đã cùng giáo sư Bethany Ehlmann của Caltech đã sử dụng dữ liệu từ thiết bị CRISM của tàu MRO để lập bản đồ muối clorua trên những vùng cao nguyên giàu đất sét ở bán cầu nam sao Hỏa - ​​địa hình có nhiều miệng hố va chạm. Những miệng hố va chạm này là chìa khóa để xác định niên đại của các loại muối: Địa hình càng ít miệng hố va chạm thì càng trẻ. Bằng cách đếm số lượng miệng hố va chạm trên một diện tích bề mặt, các nhà khoa học có thể ước tính tuổi của khu vực đó. 

MRO có 2 máy ảnh hoàn hảo cho mục đích này. Máy ảnh Context Camera với ống kính góc rộng đen trắng, giúp các nhà khoa học lập bản đồ phạm vi của clorua. Để phóng to, các nhà khoa học sử dụng máy ảnh HiRISE để quan sát được từ tàu quỹ đạo sao Hỏa những chi tiết nhỏ như tàu thám hiểm sao Hỏa.

Dùng 2 máy ảnh để tạo bản đồ độ cao kỹ thuật số, tác giả Leask và giáo sư Ehlmann nhận thấy nhiều muối nằm trong vùng trũng - từng là nơi có các ao nông. Các nhà khoa học cũng tìm thấy những con kênh khô cạn, quanh co gần đó - những dòng chảy này trước đây từng cung cấp nước chảy bề mặt (do băng hoặc băng vĩnh cửu tan chảy không thường xuyên) vào các ao. Việc đếm miệng núi lửa và bằng chứng về muối trên địa hình núi lửa cho phép các nhà khoa học xác định niên đại của các mỏ muối.

Khoáng chất muối lần đầu tiên được tàu quỹ đạo Mars Odyssey của NASA phát hiện cách đây 14. Tàu MRO sở hữu thiết bị có độ phân giải cao hơn Odyssey và đã nghiên cứu các muối, cùng nhiều đặc điểm khác của sao Hỏa, kể từ khi phóng năm 2005.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn