MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa về sự hiện diện của con người trên Mặt trăng. Ảnh: NASA

NASA tìm kiếm ý tưởng về lò phản ứng hạt nhân trên Mặt trăng

Nguyễn Hạnh LDO | 20/11/2021 16:41

Nếu ai có ý tưởng hay về cách đặt một nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng, NASA muốn nghe về nó.

Theo AP, NASA và phòng thí nghiệm nghiên cứu hạt nhân liên bang hàng đầu của Mỹ ngày 19.11 đã đưa ra lời kêu gọi về đề xuất cho một hệ thống điện bề mặt phân hạch.

Cơ quan vũ trụ đang hợp tác với Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho của Bộ Năng lượng Mỹ, để thiết lập một nguồn năng lượng không phụ thuộc vào Mặt trời cho các sứ mệnh lên Mặt trăng vào cuối thập kỷ này.

"Cung cấp một hệ thống năng lượng cao, đáng tin cậy trên Mặt trăng là bước quan trọng tiếp theo trong quá trình khám phá không gian của con người và việc đạt được nó nằm trong tầm tay của chúng tôi", Sebastian Corbisiero - người đứng đầu Dự án Điện Bề mặt Phân hạch tại phòng thí nghiệm - tuyên bố.

Nếu thành công trong việc thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng, mục tiêu tiếp theo sẽ là sao Hỏa. NASA cho biết, năng lượng bề mặt phân hạch có thể cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và bền vững, bất kể điều kiện môi trường trên Mặt trăng hay sao Hỏa.

Lò phản ứng sẽ được xây dựng trên Trái đất và sau đó được đưa lên Mặt trăng.

Các ý tưởng về hệ thống điện bề mặt phân hạch nên bao gồm lõi lò phản ứng sử dụng nhiên liệu uranium, hệ thống chuyển đổi năng lượng hạt nhân thành năng lượng có thể sử dụng, hệ thống quản lý nhiệt để giữ cho lò phản ứng mát và hệ thống phân phối cung cấp không dưới 40 kilowatt điện liên tục trong 10 năm trong môi trường Mặt trăng.

Một số yêu cầu khác bao gồm: Khả năng tự tắt và bật mà không cần sự trợ giúp của con người, có thể hoạt động trên boong của tàu đổ bộ Mặt trăng, có thể tháo rời khỏi tàu đổ bộ và chạy trên một hệ thống di động để đến một địa điểm khác để hoạt động.

Ngoài ra, khi được phóng từ Trái đất lên Mặt trăng, nó phải nằm gọn trong một hình trụ đường kính 4m, dài 6m, và đồng thời không được nặng hơn 6.000kg.

Các ý tưởng phải được gửi trước ngày 19.2.2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn