MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu thám hiểm Curiosity trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

NASA xác định vị trí chính xác nguồn khí bí ẩn trên sao Hỏa

Ngọc Vân LDO | 16/07/2021 10:12
Tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity của NASA có thể nằm ngay trên nguồn khí metan bí ẩn ở hành tinh đỏ.

Nhóm nhà khoa học NASA có thể vừa xác định được chính xác vị trí trên sao Hỏa của một nguồn metan bí ẩn - loại khí thường được các vi sinh vật tạo ra - và tàu thám hiểm Curiosity có thể nằm ngay trên đó.

Theo Live Science, dấu vết khí metan đã được tàu thám hiểm Curiosity phát hiện sáu lần kể từ khi hạ cánh xuống miệng núi lửa Gale của sao Hỏa vào năm 2012, nhưng các nhà khoa học không thể tìm ra nguồn gốc của chúng. Giờ đây, với một phân tích mới, các nhà nghiên cứu có thể đã lần ra nguồn gốc của khí metan này.

Để xác định nguồn metan chưa biết, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California đã lập mô hình các hạt khí metan bằng cách chia chúng thành các gói rời rạc. Xét đến tốc độ và hướng gió tại thời điểm phát hiện ra chúng, nhóm nghiên cứu đã lần theo dấu vết của các lô khí metan và đến được các điểm có thể phát xạ. Họ đã có thể xác định tam giác các khu vực có nhiều khả năng là nguồn khí metan, trong đó một khu vực chỉ cách thiết bị dò tìm vài chục kilomet.

Các nhà nghiên cứu viết trong bài báo: "Các phát hiện chỉ ra một vùng phát xạ đang hoạt động ở phía tây và tây nam của tàu thám hiểm Curiosity trên đáy miệng núi lửa phía tây bắc. Điều trùng hợp là chúng tôi đã chọn một bãi đáp cho Curiosity nằm bên cạnh một địa điểm phát thải khí metan đang hoạt động".

Thông tin này gây xúc động mạnh đối với các nhà khoa học, vì hầu như tất cả khí metan trong bầu khí quyển của Trái đất đều có nguồn gốc sinh học, do đó, dấu hiệu khí metan trên hành tinh đỏ có thể là một chỉ dấu quan trọng để tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.

Ngay cả khi metan được tạo ra bởi các quá trình phi sinh học, nó có thể chỉ ra hoạt động địa chất gắn chặt với sự hiện diện của nước lỏng - một thành phần quan trọng cho sự sống trong quá khứ hoặc hiện tại trên hành tinh đỏ.

Curiosity đã phát hiện ra dấu vết khí metan thông qua một thiết bị gọi là máy đo phổ laser có thể điều chỉnh được. Thiết bị này có khả năng phát hiện lượng vết của khí ở mức chưa đến một nửa phần tỉ (ppb), hoặc khoảng một nhúm muối trong bể bơi lớn kích cỡ Olympic. Lượng khí metan tăng đột biến dẫn nhóm nghiên cứu đến nguồn phát khí tiềm năng đã được ghi nhận ở mức khoảng 10 ppb.

Vẫn chưa biết liệu khí metan có phải phát ra từ các dạng sinh vật sống nhỏ hay không, trong khi tuổi thọ của khí metan chỉ là 330 năm, sau đó nó bị phá hủy hoàn toàn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Điều đó có nghĩa là bất cứ thứ gì tạo ra khí metan vẫn có thể tạo ra nó cho đến ngày nay. Công việc tiếp theo của các nhà khoa học sẽ là tìm ra thứ đó là gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn