MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS. Ảnh: Wiki

NATO cân nhắc yêu cầu thay máu toàn bộ kho vũ khí của Ukraina

Khánh Minh LDO | 13/10/2022 12:23
NATO hy vọng làm trong 10 năm tới kho vũ khí của Ukraina "hoàn toàn có thể tương tác" với các kho vũ khí của phương Tây.

Liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu sẽ sớm khởi động kế hoạch xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraina trong thập kỷ tới, với hy vọng loại bỏ dần các vũ khí từ thời Liên Xô để chuyển sang vũ khí phương Tây, khi Washington và đồng minh cam kết các vòng viện trợ quân sự mới cho Kiev.

Các quan chức của NATO và Ukraina sẽ gặp nhau vào tuần tới để thảo luận về cam kết lâu dài nhằm hồi sinh ngành công nghiệp - quân sự của Kiev sau nhiều tháng giao tranh với Nga, tờ Politico dẫn lời một quan chức cấp cao của NATO đưa tin hôm 12.10.

Quan chức NATO cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét các yêu cầu lập kế hoạch quốc phòng để giúp Ukraina có thể tương tác hoàn toàn với NATO. Đó là việc chuyển từ vũ khí của Liên Xô sang thiết bị của phương Tây tương thích với NATO”.

Mặc dù quan chức NATO đưa ra một vài thông tin chi tiết về nỗ lực tái thiết, nhưng cho biết sẽ tập trung vào các nhu cầu lâu dài hơn của Ukraina và có thể liên quan đến một số đối tác quốc tế. 

Sáng kiến ​​này sẽ tách biệt với một dự án khác của NATO đã được các quan chức thảo luận vào đầu tháng 10. Dự án này cũng nhằm tăng cường lĩnh vực quốc phòng của Ukraina, đồng thời bổ sung kho dự trữ của phương Tây sau khi cung cấp vũ khí hạng nặng tới Kiev.

Các quan chức hàng đầu của NATO, Mỹ và Ukraina tham dự cuộc họp theo định dạng “Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraina” tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 12.10.2022. Ảnh: AP

Trước đó, cũng trong ngày 12.10, cái gọi là “Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraina” đã họp để thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ quân sự, với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Alexey Reznikov tuyên bố rằng các hệ thống phòng không là "ưu tiên hàng đầu" của Kiev.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley cho biết Washington và các đồng minh sẽ hướng tới cung cấp cho Kiev những vũ khí như vậy, đồng thời kêu gọi các thành viên của nhóm liên lạc “tham gia và giúp Ukraina xây dựng lại và duy trì hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân tích hợp, đặc biệt là các hệ thống cũ”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tuyên bố sẽ gửi thêm tên lửa phòng không, nói rằng “kết quả duy nhất mà Nga đạt được với các cuộc tấn công liên tục vào Ukraina là chúng tôi sẽ cung cấp nhiều hơn nữa”.

Những cam kết đó được đưa ra ngay sau khi Đức chuyển giao hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên cho Ukraina, trong khi Pháp, Mỹ và Anh đều tuyên bố chuyển giao vũ khí mới của riêng mình, bao gồm pháo tự hành bánh lốp của Pháp, tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS do Mỹ sản xuất, cùng hệ thống phòng thủ và tên lửa không đối không AMRAAM của Anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn