MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

NATO định nghĩa lại bản chất

Ngạc Ngư LDO | 04/07/2022 07:50

NATO có lý do xác đáng để nhìn nhận hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay, vừa được tổ chức tuần trước ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, có tầm quan trọng lịch sử đối với liên minh quân sự này.

Chiến sự dai dẳng từ hơn 4 tháng nay ở Ukraina giữa Nga và Ukraina thách thức sự tồn vong của NATO, đồng thời đưa lại cơ hội rất hiếm thấy cho NATO có được lý do để tiếp tục tồn tại và cơ hội để gây dựng vai trò và ảnh hưởng NATO cần phải có để củng cố lý do tồn tại ấy.

Tất cả những điều này được NATO thể hiện trong tài liệu mà NATO đặt cho cái tên rất khiêm tốn là "Strategic Concept" - có thể được tạm dịch là Kế hoạch Chiến lược. Trong đó, NATO định nghĩa lại bản chất của liên minh quân sự và định hướng hoạt động cho liên minh quân sự trong thời gian trước mắt và lâu dài. Trong đó, NATO trả lời hai câu hỏi mấu chốt để dẫn đến định nghĩa về bản chất mới.

Câu hỏi thứ nhất là xác định kẻ thù. Câu trả lời của NATO là Nga nhưng đồng thời hàm ý cả Trung Quốc. Nga bị NATO coi là kẻ thù nguy hiểm nhất và trực tiếp nhất. Như thế cũng có nghĩa là NATO đã huỷ bỏ hoàn toàn những hiệp định cơ bản đã ký kết với Nga từ cách đây 25 năm để xác định Nga là đối tác chiến lược và xây dựng quan hệ hợp tác với Nga trên cơ sở ấy. Từ coi Liên Xô trước đây là kẻ thù, rồi từ kẻ thù thành đối tác chiến lược và bây giờ lại coi Nga là kẻ thù, NATO đã khép lại vòng tròn trong nhìn nhận về Nga và trong cách tiếp cận chính sách đối với Nga. Chuyện đang diễn ra ở Ukraina giữa Nga và Ukraina là tác nhân rất quyết định.

Còn đối với Trung Quốc, NATO xác định đối phó Trung Quốc bởi lo ngại thật sự về sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt về quân sự và bởi cách hành xử của Trung Quốc và cũng còn bởi NATO bắt đầu vươn tầm nhìn đến khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Hàn Quốc lần đầu tiên được NATO mời tới tham dự cuộc gặp cấp cao của NATO phục vụ cho câu trả lời này của NATO.

Câu hỏi thứ hai là NATO dự định làm gì. Kết quả cuộc gặp cấp cao và tài liệu Kế hoạch Chiến lược kia cho thấy NATO chủ định hành động trên ba phương diện. Thứ nhất là tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng nói chung ở tất cả các nước thành viên. Cụ thể ở đây là tất cả các nước thành viên NATO thực hiện cam kết tăng ngân sách quốc phòng hằng năm như đã thoả thuận với nhau và còn tăng nhiều hơn thế nữa.

Thứ hai là tiến hành bố trí chiến lược lại quân đội chung của NATO ở Châu Âu, đặc biệt ở những thành viên NATO tại khu vực Đông Âu giáp ranh với Nga mà NATO gọi là cánh cung phía đông. Việc này bao gồm 3 thành tố là tăng gấp hơn 7 lần so với hiện tại số lượng binh lính trong lực lượng phản ứng nhanh (từ 40.000 lên 300.000), triển khai thường xuyên lực lượng lớn binh lính và vũ khí ở một số thành viên NATO gần Nga về địa lý, đặc biệt là Bulgaria và Romania và Mỹ tăng thêm binh lính đồn trú tại các nước thành viên NATO ở Châu Âu.

Thứ ba là hậu thuẫn Ukraina về chính trị và quân sự để Ukraina đánh bại Nga ở Ukraina. Thực chất mục tiêu của NATO - và của cả EU - ở đây là tận dụng chuyện chiến sự hiện tại ở Ukraina để làm cho Nga thất bại trên mọi phương diện đến mức Nga không còn bất cứ vai trò chính trị an ninh châu lục và thế giới nữa, từ nay trở đi không còn có thể thách thức NATO được nữa về an ninh, quân sự. Cũng tại cuộc gặp này, NATO chính thức mời Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. NATO coi đấy là một thất bại ở tầm chiến lược của Nga.

Hội nghị thượng đỉnh năm nay của NATO cho thấy NATO đã chính thức định hướng trở thành cả liên minh chính trị an ninh thế giới chứ không chỉ là một liên minh quân sự thuần tuý tập trung chủ yếu vào Châu Âu, xác định tôn chỉ mục đích không chỉ là đảm bảo an ninh cho các thành viên mà còn gây dựng ảnh hưởng và vai trò chính trị an ninh ở nhiều nơi trên thế giới và chi phối ở Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn