MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà lãnh đạo NATO dự Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius, Lithuania. Ảnh: NATO

NATO thoát khó

Hạ Lang LDO | 15/07/2023 06:17

Tại hội nghị cấp cao thường niên năm nay vừa diễn ra ở Thủ đô Vilnius của Lithuania, NATO có thể hài lòng về kết quả đã đạt được bởi về cơ bản đã đưa ra được ý tưởng giải pháp cho những vấn đề cấp thiết đang đặt ra. Dù là giải pháp lâu dài hay tạm thời hoặc tình thế thì chúng cũng vẫn giúp NATO thoát khó khăn và khó xử.

Cuộc xung đột ở Ukraina giữa Nga và Ukraina với mọi hệ lụy, hậu quả và tác động trước mắt cũng như lâu dài đối với NATO và châu Âu, đối với Ukraina và Nga, chi phối gần như hoàn toàn chương trình nghị sự hội nghị này của NATO. Cùng với nhóm G7, NATO tìm ra được cách giúp xoa dịu nỗi thất vọng của Ukraina về việc đòi hỏi mãi mà vẫn chưa được NATO chính thức mời tham gia liên minh quân sự, thậm chí vẫn chưa được NATO đưa ra lộ trình thời gian cụ thể cho việc kết nạp Ukraina làm thành viên.

Giải pháp của NATO là NATO cam kết mở cửa liên minh đón chào Ukraina vào thời điểm thích hợp, thành lập cơ chế Hội đồng hợp tác NATO - Ukraina và tăng cường viện trợ quân sự, cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraina. Đồng thời, nhóm G7 đưa ra cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraina từ nay cho tới khi Ukraina gia nhập NATO, cam kết hậu thuẫn Ukraina toàn diện về tài chính và quân sự để Ukraina thắng Nga trong cuộc xung đột hiện tại ở Ukraina và đủ khả năng để răn đe Nga trong tương lai. Ukraina không được hết những gì muốn được, nhưng cũng được rất nhiều từ NATO và G7.

Tại hội nghị này, NATO sử dụng lại cách tiếp cận và định hướng chiến lược đã dùng ở thời Chiến tranh Lạnh để đối phó Nga khi đưa ra kế hoạch bày binh bố trận mới ở khu vực dọc tuyến biên giới chung với Nga. Sau hơn 30 năm, NATO mới lại dàn trận trên thực địa sẵn sàng ứng phó quân sự với Nga như thế. Qua đó có thể thấy định hướng của NATO vừa răn đe Nga hiện tại, vừa kiềm chế Nga trong cấu trúc và trật tự chính trị an ninh ở châu Âu cho tương lai. Đấy là một dấu mốc quan trọng trong chiến lược chung của NATO.

Trên danh nghĩa, NATO đã thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ buông bỏ sự phủ quyết Thụy Điển gia nhập NATO. Chỉ có điều, Thổ Nhĩ Kỳ rồi đây có hành động như lời nói hay không lại là chuyện khác.

Việc các thành viên tăng ngân sách quân sự và quốc phòng hàng năm cũng được NATO nhất trí. Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để vươn ra khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đối phó Trung Quốc cũng được NATO thúc đẩy.

Phản ứng không hài lòng của Nga và Trung Quốc chắc chắn được NATO nhìn nhận như sự xác nhận là hội nghị cấp cao năm nay rất thành công, cho dù bất đồng quan điểm trong nội bộ vẫn còn khá sâu sắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn