MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và nhà sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk xuất hiện trong bảng "kẻ địch" tại cuộc tập trận ở Na Uy. Ảnh: AP

NATO xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ về sự cố đáng xấu hổ trong cuộc tập trận ở Na Uy

Hà Liên LDO | 18/11/2017 15:37
Thổ Nhĩ Kỳ đã rút 40 binh sĩ đang tham gia cuộc tập trận ở Na Uy, để phản đối sau sự cố gây sốc.  

Tổng thư ký NATO xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ về sự cố trong cuộc tập trận ở Na Uy. Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút 40 binh sĩ tham gia các cuộc tập của NATO ở Stavanger, Na Uy để phản đối vụ việc và lên tiếng chỉ trích liên minh. "Không có sự đoàn kết nào kiểu như vậy, không có liên minh như thế này", ông gay gắt nói. 

Thông tin chi tiết vụ việc, theo tiết lộ của ông Recep Tayyip Erdoğan là hình ảnh của Mustafa Kemal Ataturk - nhà lãnh đạo sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ và tên Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdoğan xuất hiện ở bảng “kẻ địch” trong cuộc tập trận.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra lời xin lỗi về sự cố này. Ông khẳng định vụ việc là kết quả của một "hành động của cá nhân" và không phản ánh quan điểm của liên minh.

Người gây ra vụ việc này được cho là một nhà thầu dân sự của Na Uy, do Na Uy chỉ định và không phải là nhân viên của NATO.

Tổng thư ký Jes Stoltenberg cho biết, nhà thầu dân sự trên đã bị đình chỉ khỏi cuộc tập trận và một cuộc điều tra đã được tiến hành. Giới chức Na Uy sẽ quyết định hình thức xử lý hành động của người này.

"Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO, có đóng góp quan trọng cho an ninh liên minh", Tổng thư ký NATO nhấn mạnh. 

Ngoài tuyên bố trên, ông Jens Stoltenberg cũng xin lỗi một lần nữa tại diễn đàn an ninh quốc tế Halifax ở Canada. Ông cho biết đã nói chuyện với lãnh đạo quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc. 

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cũng đưa ra lời xin lỗi về vụ việc. "Thông điệp đó không phản ánh quan điểm hay chính sách của Na Uy và tôi chân thành xin lỗi vì nội dung đó", Bộ trưởng Frank Bakke-Jensen nói.

Trung tâm tác chiến chung nơi diễn ra cuộc tập trận là một đơn vị đa quốc gia có trụ sở tại Stavanger, cách thủ đô Oslo 300 km về phía tây nam. Theo thông tin trên website, tại đây có 250 nhân viên dân sự từ 11 quốc gia thành viên NATO.

Hồi tháng 3, chính phủ Na Uy đã khiến Ankara nổi giận khi cấp tị nạn chính trị cho 5 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này. Các quan chức trên từ chối trở về nước sau vụ đảo chính vào tháng 7.2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn