MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 8.5.

“Nếu được yên lòng, Mỹ có khả năng quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran”

VÂN ANH thực hiện LDO | 10/05/2018 14:00
Đại sứ Nguyễn Quang Khai - nhà quan sát về tình hình Trung Đông và có nhiều năm làm việc tại các quốc gia trong khu vực này nhận định, nếu các nước ủng hộ thỏa thuận hạt nhân đàm phán lại và làm yên lòng Mỹ thì có khả năng, Mỹ sẽ quay lại thỏa thuận này.

Thưa Đại sứ, hôm 8.5 Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran? Ông có bình luận gì?

- Quyết định rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, cộng với Đức) năm 2015 đã nằm trong ý đồ của ông Donald Trump từ khi lên làm tổng thống, và nằm trong chính sách chung của Mỹ ở khu vực Trung Đông, như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, thành lập liên minh Arab Hồi giáo chống khủng bố mà thực chất là chống Iran.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi cho rằng, ông Donald Trump ra quyết định vào thời điểm này vì 2 lý do. Thứ nhất, để tỏ rõ quyền lực, đã hứa là làm. Thật vậy, những cam kết trong chiến dịch tranh cử như rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, hay Jerusalem, ông Donald Trump đều đã thực hiện sau khi nhậm chức. Bản thân ông Donald Trump cũng khẳng định “khi tôi hứa, tôi sẽ giữ lời”, và “Mỹ không đưa ra những lời đe dọa trống rỗng”. Thứ hai, là nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trước những bê bối trong nước, như vụ bê bối diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels, để tập trung cho cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào cuối năm nay.

Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố, Iran đã luôn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và sẽ ở lại thỏa thuận. Đại sứ có bất ngờ với phản ứng này của Iran?

- Tôi cho rằng, Iran đang có cách tiếp cận mềm mỏng, chứ không gay gắt như tuyên bố trước đây là, nếu Mỹ rút thì sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân ngay lập tức. Lần này, mặc dù Tổng thống Rouhani nói quyết định của ông Donald Trump là “bất hợp pháp và vi phạm các thỏa thuận quốc tế”, nhưng ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Iran tổ chức đàm phán với các nước P5 còn lại trong vài tuần tới. Trên thực tế, Iran không muốn xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân này như từng đe dọa. Tổng thống Rouhani nói rằng, nếu Iran đạt được mục tiêu của thỏa thuận là hợp tác với các bên ký kết, thì thỏa thuận vẫn tồn tại.

Hệ quả nào cho khu vực khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, thưa Đại sứ?

- Chắc chắn tình hình sẽ căng thẳng thêm. Trước mắt là Mỹ tái áp dụng lại các biện pháp trừng phạt kinh tế cao nhất với Iran, phối hợp với Israel và Saudi Arabia tăng sức ép với Iran. Cũng không loại trừ khả năng đánh Iran, mà thực chất cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran đã và đang diễn ra rồi. Báo chí Syria đưa tin, chỉ 1 giờ sau khi ông Donald Trump công bố rút khỏi JCPOA, Israel được cho là đã tấn công tên lửa nhằm vào các vị trí mà nhiều khả năng thuộc về lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ở Kishweh, gần Damascus, làm 9 người thiệt mạng. Trước đó là cuộc tấn công kho vũ khí của Iran ở Hama và Aleppo ngày 29.4, và không kích sân bay T-4 ngày 8.4 làm 7 binh sĩ Iran thiệt mạng.

Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump rút khỏi JCPOA làm tăng thêm thái độ cứng rắn của những phần tử cực đoan ở Iran và phe phái bảo thủ Hồi giáo. Tổng thống Rouhani là người có tư duy cởi mở, muốn đưa Iran hội nhập vào cộng đồng quốc tế và bình thường hoá quan hệ với phương Tây, kể cả Mỹ. Nhưng, việc ông Donald Trump rút khỏi JCPOA sẽ dội 1 gáo nước lạnh vào đường lối của phe cải cách và làm tăng thêm sự chống đối của phe cứng rắn bảo thủ tại Iran. Các lực lượng này sẽ có lý do để cực đoan hơn, điều này hoàn toàn không có lợi cho Mỹ.

Mặc dù tình hình chắc chắn căng thẳng hơn, nhưng tôi cho rằng, cả Mỹ và các nước liên quan đều không muốn đổ vỡ quan hệ. Trong tuyên bố trước khi ký bản ghi nhớ trừng phạt Iran, ông Donald Trump để ngỏ khả năng sẵn sàng và sẵn lòng đối thoại nếu lãnh đạo Iran bằng lòng “thực hiện 1 thỏa thuận mới và lâu dài”.

Nga ủng hộ ý tưởng của Pháp đàm phán lại tất cả những vấn đề liên quan đến thỏa thuận để làm yên lòng Mỹ sau năm 2020. Anh, Pháp và Đức cam kết tiếp tục thỏa thuận. Tôi cho rằng, nếu các nước ủng hộ thỏa thuận hạt nhân đàm phán lại và làm yên lòng Mỹ thì có khả năng, Mỹ sẽ quay lại thỏa thuận này.

Thưa Đại sứ, việc Mỹ rút khỏi JCPOA liệu có ảnh hưởng gì đến hội nghị thượng đỉnh dự kiến sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khi mà 2 bên được cho là sẽ bàn về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên?

- Tất nhiên sẽ không loại trừ ảnh hưởng, chỉ là ở mức độ ít hay nhiều. Triều Tiên hoàn toàn có quyền lo lắng về chuyện ông Donald Trump rút khỏi JCPOA.

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn