MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga cung cấp S-300 cho Syria. Ảnh: Reuters

Nga bắt đầu chuyển giao S-300 cho Syria bất chấp cảnh báo của phương Tây

Khánh Minh LDO | 29/09/2018 10:12

Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết hôm 28.9, Nga bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho Syria, đồng thời cảnh báo các cường quốc phương Tây đang cố phá hoại nỗ lực của Liên Hợp Quốc chấm dứt xung đột Syria.

Trước đó, hôm 24.9, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết S-300 sẽ được chuyển giao cho các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong vòng 2 tuần, bất chấp phản đối của Mỹ và Israel. Một tuần trước đó, Mátxcơva cáo buộc Tel Aviv gián tiếp gây ra vụ bắn rơi máy bay Il-20 của Nga ở Syria.

“Việc giao hàng (S-300) đã bắt đầu và như Tổng thống Vladimir Putin nói, sau sự cố đó chúng tôi sẽ có các biện pháp để đảm bảo 100% an toàn và an ninh cho quân nhân Nga” - Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nga, cùng Iran, đã giúp Tổng thống Assad khôi phục phần lớn lãnh thổ bị mất ở Syria từ tay phiến quân. Nga cũng thúc đẩy các cuộc đàm phán riêng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong định dạng Astana, bởi các cuộc đàm phán hoà bình do Liên Hợp Quốc dẫn đầu bị đình trệ.

Một số nhà ngoại giao cho rằng, sự cố máy bay Nga bị bắn rơi vì Israel và thoả thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt tấn công vào thành trì cuối cùng của phiến quân Syria ở Idlib có thể mở cánh cửa thúc đẩy thực hiện nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kết thúc cuộc xung đột Syria.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Nga và Mỹ, đã uỷ nhiệm cho đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Steffan de Mistura đạt thoả thuận về hiến pháp mới, bầu cử mới và cải cách chính quyền ở Syria.

Nhiệm vụ đầu tiên của ông De Mistura là thành lập một uỷ ban hiến pháp để quyết định ai sẽ được chọn. Ông cho biết sẽ lựa chọn khoảng 50 người, trong đó có những người ủng hộ chính phủ, phe đối lập và những người độc lập, nhưng đến nay chính phủ Syria vẫn từ chối ý tưởng này.

Trong cuộc gặp ở New York hôm 27.9, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Ai Cập, Pháp, Đức, Jordan, Anh và Saudi Arabia đã kêu gọi ông de Mistura triệu tập uỷ ban hiến pháp và báo cáo về tiến độ vào cuối tháng 10.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov cáo buộc nhóm này cố gắng làm suy yếu nỗ lực Astana và gây áp lực lên ông de Mistura để họ có thể áp đặt giải pháp của riêng họ về cuộc xung đột, và đó là “sai lầm nghiêm trọng”.

“Điều này nhằm mục đích phá hoại tất cả những nỗ lực đạt được tại tiến trình Astana, và không đảm bảo thực tế là người Syria quyết định số phận của đất nước của họ, mà bị các thế lực nước ngoài định đoạt” - ông Lavrov nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn