MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom. Ảnh: AFP

Nga bất ngờ thay đổi yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp

Khánh Minh LDO | 01/01/2023 09:38
Nga cho phép thanh toán nợ khí đốt bằng ngoại tệ, thay vì đồng rúp. 

Một sắc lệnh trước đó của tổng thống bắt buộc các quốc gia "không thân thiện" (các quốc gia áp đặt trừng phạt Nga) phải trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp.

RT đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30.12 đã ký sắc lệnh cho phép những nước phương Tây “không thân thiện” thanh toán các khoản nợ khí đốt bằng ngoại tệ thay vì đồng rúp. Nghị định được công bố trên cổng thông tin chính thức của chính phủ về thông tin pháp lý.

Tài liệu mới sửa đổi một sắc lệnh của tổng thống từ tháng 3, trong đó yêu cầu tất cả các khoản thanh toán cho khí đốt của Nga phải được trả bằng đồng rúp.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin cho biết các chính phủ nước ngoài đang sử dụng đồng tiền của họ “làm vũ khí”, nghĩa là Nga không nên sử dụng chúng trong các khoản thanh toán. 

Sắc lệnh tháng 3 được đưa ra ngay sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraina. Các biện pháp trừng phạt khiến Nga gần như không thể thực hiện các giao dịch bằng đồng Euro và USD.

Sắc lệnh mới ngày 30.12 cho phép dùng ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ, chuyển vào tài khoản ngoại tệ được chỉ định của nhà cung cấp Nga. Khi được ghi có vào tài khoản, khoản nợ coi như đã được trả.

Nga cho phép thanh toán nợ khí đốt bằng ngoại tệ, nhưng vẫn bán các lô hàng mới bằng đồng rúp. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, theo sắc lệnh mới, việc trả nợ tiền mua khí đốt không có nghĩa là Nga sẽ tiếp tục cung cấp, trừ khi người mua đồng ý thanh toán cho các lần giao hàng trong tương lai bằng đồng rúp.

Phản ứng đối với việc chuyển đổi các khoản thanh toán khí đốt sang đồng rúp ban đầu rất khác nhau, một số ý kiến cho rằng chính sách này không thể được coi là hợp pháp vì không có điều khoản nào về việc thay đổi đồng tiền thanh toán trong các hợp đồng khí đốt. 

Một số quốc gia, bao gồm Ba Lan và Bulgaria, tuyên bố không đồng ý với kế hoạch này và đã bị cắt khỏi nguồn cung cấp của Nga. Tuy nhiên, nhiều công ty phương Tây cuối cùng đã chấp nhận các điều khoản của Nga.

Danh sách các quốc gia mà Nga coi là “quốc gia không thân thiện” bao gồm 27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Canada, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ukraina và các quốc gia khác, tổng cộng khoảng 50 quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn