MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Xinhua

Nga cáo buộc phương Tây sắp gây ra chiến tranh hạt nhân

Ngọc Vân LDO | 23/04/2024 12:19

Nga cáo buộc phương Tây do Mỹ dẫn đầu có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc hạt nhân toàn cầu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ba cường quốc hạt nhân phương Tây nằm trong số những nhà tài trợ chính cho Ukraina và là những người tổ chức chính các hành động khiêu khích chống lại Nga.

Ông Lavrov cáo buộc, phương Tây do Mỹ dẫn đầu có thể gây ra một cuộc chiến tranh thảm khốc giữa các cường quốc hạt nhân toàn cầu do lập trường thù địch công khai đối với Nga và những nỗ lực phá hoại các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có.

RT đưa tin, phát biểu tại Hội nghị Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Mátxcơva do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và An ninh tổ chức, ông Lavrov lưu ý rằng thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng liên quan đến các cơ chế kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, và điều đó gây nguy hiểm cho an ninh quốc tế.

Ngoại trưởng Nga đổ lỗi điều này cho Mỹ, cáo buộc rằng Washington "cố tình phá hủy các thỏa thuận kiểm soát vũ khí cân bằng và bình đẳng” đồng thời thực thi “những kế hoạch không trung thực” chỉ có lợi cho Mỹ.

Ông Lavrov giải thích, Mỹ và các đồng minh đã cản trở việc đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trong thời gian gần đây. Ông cũng lưu ý mối nguy hiểm tiềm tàng do thỏa thuận AUKUS ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia, vốn đang “ngày càng trở nên giống một khối quân sự”, cũng như NATO - vốn đang tăng cường chi tiêu quân sự.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraina cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt khi 3 cường quốc hạt nhân lớn của phương Tây là Mỹ, Anh và Pháp nằm trong số những nhà tài trợ chính cho Kiev và những kẻ đứng sau các hành động khiêu khích chống lại Nga.

Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ, Mỹ và Nga nắm giữ gần 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới. Năm ngoái, Nga đã đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, được gọi là New START - thỏa thuận hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga nhằm giới hạn kho vũ khí.

Nga thử tên lửa hạt nhân chiến lược Sarmat ngày 20.4.2022. Ảnh: Xinhua

Nga cho rằng sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột Ukraina là nguyên nhân chính dẫn đến việc đình chỉ New START. Kể từ đó, Washington đã kêu gọi Mátxcơva nối lại đối thoại về hiệp ước, nhưng Nga nói rằng chỉ làm như vậy chừng nào Mỹ ngừng hỗ trợ Ukraina.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lavrov nhắc lại lập trường này, nói rằng ông thấy “không có cơ sở gì” cho một cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí với Mỹ “trong bối cảnh một cuộc chiến tranh tổng thể đang diễn ra nhằm vào đất nước chúng tôi”.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 22.4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh nếu Ba Lan cho Mỹ đặt vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Fakt của Ba Lan, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thừa nhận rằng vấn đề đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ đến Ba Lan - gần lãnh thổ Nga - “đã được Warsaw và Washington thảo luận trong một thời gian”.

Tổng thống Ba Lan giải thích thêm: “Nếu các đồng minh quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi để tăng cường an ninh cho sườn phía đông của NATO, thì chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn