MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi tháng 3.2021. Ảnh: Maxar/AFP

Nga chào mời tuyến đường biển ưu việt thay thế kênh đào Suez

Khánh Minh LDO | 01/06/2021 20:53

Nga đề xuất tuyến đường biển ưu việt thay thế kênh đào Suez là tuyến đường Biển Bắc, chạy qua Bắc Cực ở phía trên Nga.

Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông Nga Alexei Chekunkov cho biết, các quốc gia lớn Châu Á coi Tuyến đường Biển Bắc (Northern Sea Route - NSR) là hành lang vận tải giữa Châu Á và Châu Âu. Đề xuất giải pháp thay thế cho kênh đào Suez ở Ai Cập, ông Chekunkov lưu ý rằng, tuyến đường Biển Bắc ngắn hơn 40% và thời gian di chuyển nhanh hơn 7 ngày.

Đại sứ cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga, quan chức cấp cao của Hội đồng Bắc Cực Nikolai Korchunov cũng cho rằng, tuyến đường Biển Bắc có những lợi thế nhất định so với kênh đào Suez.

"Tuyến đường Biển Bắc ngắn hơn 40% so với tuyến đường vận tải qua kênh đào Suez và có một số lợi thế, bao gồm cả các lợi thế chính trị. Chiều dài ngắn hơn của nó không chỉ cho phép giảm thời gian, mà còn cả chi phí nhiên liệu, giúp giảm thiểu áp lực do con người gây ra với môi trường" - ông Nikolai Korchunov lưu ý.

Đại sứ cũng nói thêm rằng, Nga gần đây nhận thấy rõ xu hướng tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển dọc theo Tuyến đường Biển Bắc và sự phát triển của vận tải biển. Điều này sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của các vùng lãnh thổ phía bắc, cũng như lĩnh vực du lịch và thương mại, đồng thời sẽ góp phần tăng mức sống của người dân Bắc Cực, bao gồm những người bản địa.

Bản đồ tuyến đường vận chuyển hàng hóa sử dụng tuyến đường biển Phương Bắc (màu xanh) và tuyến đường qua kênh đào Suez (màu đỏ). Ảnh: Sputnik/Wiki

Theo tờ Kommersant, cuối tháng 5, Bộ Công thương Nga đề xuất chỉ được vận chuyển dầu, khí đốt dọc theo tuyến đường Biển Bắc bằng các tàu đóng tại Nga. Chỉ có chúng mới có thể vận chuyển than, dầu khí, cũng như tham gia vào các hoạt động thương mại, phá băng và dẫn đường.

Chiều dài của các tuyến đường Biển Bắc từ Cổng Kara đến Vịnh Providence là hơn 5.600km, chiều dài của các tuyến sông lân cận khoảng 37.000km. Giải pháp thay thế cho lộ trình này là các hành lang vận tải qua kênh đào Suez hoặc Panama hoặc vòng quanh Mũi Hảo vọng.

Tuy nhiên, hồi tháng 3 vừa qua đã xảy ra sự cố tắc nghẽn nghiêm trọng ở kênh đào Suez. Tàu container Ever Given, thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Shoei Kisen và do Tập đoàn hàng hải Evergreen Đài Loan (Trung Quốc) điều hành trong khi đang thực hiện lộ trình từ Trung Quốc đến Hà Lan thì bị mắc cạn trên km 151 của kênh đào Suez vào ngày 23.3. Hậu quả là hơn 400 tàu buộc phải xếp hàng chờ kênh thông.

Sáng 29.3, tàu Ever Given đã được tái nổi đưa ra khỏi bãi cạn, vài giờ sau kênh đã hoạt động trở lại. Sau đó, chính quyền Ai Cập tạm giữ tàu Ever Given và yêu cầu chủ tàu bồi thường số tiền lên tới 900 triệu USD, bao gồm chi phí giải cứu con tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez, sửa chữa, cũng như chi trả cho những thiệt hại kinh tế do việc kênh đào tắc nghẽn. Vụ việc vẫn chưa được giải quyết do các bên chưa thương lượng xong khoản tiền bồi thường.

This browser does not support the video element.

Tàu chở khí đốt Christophe de Margerie thử chạy thử nghiệm trái mùa trên Tuyến đường Biển Bắc. Video: Công ty hàng hải Sovcomflot/Sputnik

Tàu chở khí đốt LNG Christophe de Margerie đã hoàn thành chuyến đi vòng thử nghiệm dọc theo Tuyến đường Biển Bắc (NSR). Đây là chuyến đi muộn nhất trong lịch sử vận tải biển Bắc Cực. Tàu khởi hành vào ngày 5.1.2021 từ cảng Sabetta ở Yamal, ba tuần sau đó đến Giang Tô của Trung Quốc và quay trở lại. Christophe de Margerie thuộc lớp vượt băng cao cho phép tàu vượt một phần chặng đường mà không cần tàu phá băng.

Thông thường việc điều phối tuyến đường lưu thông hàng hải trong khu vực phía đông của Tuyến đường Biển Bắc kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Tổng cộng, gần 33 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển dọc theo Tuyến đường Biển phía Bắc vào năm 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn