MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga đã xoay trục xuất khẩu năng lượng sang châu Á sau khi bị phương Tây trừng phạt. Ảnh: Gazprom

Nga có thể dựa vào châu Á để duy trì lợi nhuận năng lượng trong bao lâu?

Thanh Hà LDO | 27/05/2023 12:21
Khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt dầu của Nga, mục tiêu là làm tê liệt doanh thu năng lượng của nước này và cắt giảm đáng kể xuất khẩu. Tuy nhiên, Nga đã xoay trục xuất khẩu năng lượng sang châu Á, với nhu cầu tăng cao trên khắp lục địa trong bối cảnh nắng nóng.

Trong khi Liên minh châu Âu đã cho thấy thành công đáng kể trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc khí đốt Nga, các nước châu Á không đi theo con đường tương tự. Kết quả là nguồn năng lượng giá rẻ bất ngờ cho Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời giảm nhẹ đòn trừng phạt dự kiến với Nga. 

Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm thúc đẩy cuộc tấn công phối hợp vào nền kinh tế năng lượng của Nga sau xung đột ở Ukraina nổ ra, một số nền kinh tế lớn nhất trên thế giới không đi chung xu hướng này.

Trên thực tế, những gã khổng lồ năng lượng gồm Trung Quốc và Ấn Độ tận dụng sự dư thừa đột ngột của nhiên liệu hóa thạch Nga, mua nhiều dầu thô đến mức trong tháng trước, Markets Insider thông tin, “Trung Quốc và Ấn Độ đang mua nhiều dầu của Nga đến mức Mátxcơva hiện bán nhiều dầu thô hơn so với trước xung đột Ukraina". 

Và kể từ báo cáo đó, việc châu Á mua năng lượng Nga chỉ tăng lên. Do nắng nóng, các lưới điện trên khắp châu Á đang ở trong tình trạng cực kỳ căng thẳng và nhu cầu than, khí đốt và dầu nhiên liệu đã tăng mạnh. Theo số liệu từ Kpler, xuất khẩu than sang châu Á tăng 1/3 so với năm ngoái, xuất khẩu dầu nhiên liệu vừa có 2 tháng cao nhất trong lịch sử và xuất khẩu LNG cũng tăng tương đối lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, dầu của Nga chiếm gần 20% lượng dầu thô nhập khẩu hàng năm của Ấn Độ, so với chỉ 2% vào năm 2021, theo số liệu từ Ngân hàng Baroda do nhà nước Ấn Độ kiểm soát. Trung Quốc và Ấn Độ nổi lên như “những khách mua nhiệt tình nhất với dầu giảm giá của Nga”, và bây giờ là than, khí đốt và dầu nhiên liệu của Nga. Các quốc gia châu Á khác cũng đang hưởng lợi từ xu hướng này, trong đó có Hàn Quốc, Malaysia, Sri Lanka... Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria cũng đã tăng đáng kể nhập khẩu từ Nga. Dù là thành viên EU, Bulgaria được miễn trừ lệnh cấm dầu mỏ của Nga, qua đó nước này được phép tiếp tục nhập khẩu bằng đường biển.

Báo cáo của Bruegel đầu năm nay chỉ ra, gần 60% dân số toàn cầu cảm thấy trung lập về xung đột Nga - Ukraina. Kết quả là, như chúng ta có thể thấy rõ hiện nay ở châu Á, các biện pháp trừng phạt với năng lượng Nga về cơ bản là vô ích.

Tuy nhiên, Bruegel nhận định, những gì dường như là khả năng phục hồi với nền kinh tế Nga và việc hoán đổi các thị trường phương Tây để lấy các thị trường phương Đông không thể kéo dài.

“Có lẽ thay đổi quan trọng nhất là phơi bày sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch, động thái của Nga đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, và điều này không chỉ diễn ra ở EU. Mô hình kinh tế Nga hoàn toàn phụ thuộc vào một ngành công nghiệp sẽ bị triệt tiêu" - báo cáo vào tháng 2 năm nay nêu rõ. 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng nhận định, xung đột Nga - Ukraina đã khiến quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tăng tốc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn