MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu của Nga vượt quá nhập khẩu 251 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Shutterstock

Nga đạt thặng dư thương mại kỷ lục

Nguyễn Quang (theo aif.ru) LDO | 26/10/2022 17:18
Thặng dư thương mại của Nga trong 9 tháng đầu năm 2022 lên tới mức kỷ lục 251 tỉ USD (so với cùng kỳ năm ngoái thặng dư là 130 tỉ USD).

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Liên bang Nga Ruslan Davydov, bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế, Nga đã bán hàng hóa trị giá 431 tỉ USD cho các quốc gia khác và chỉ mua vào số hàng hóa trị giá 180 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2022.

Theo số liệu hải quan, hàng hóa xuất khẩu của Nga giảm về khối lượng nhưng lại tăng về giá trị, nghĩa là Nga cung cấp ít hàng hóa hơn cho thị trường nước ngoài, nhưng giá của chúng lại tăng với tốc độ nhanh hơn.

Nhưng nhập khẩu đang giảm cả về lượng tiền lẫn tỉ trọng. Theo ông Ruslan Davydov, lượng mua ở thị trường nước ngoài giảm 15-16%, trong khi tổng kim ngạch thương mại của Liên bang Nga giảm 10-11%. Kim ngạch thương mại tăng trưởng lớn nhất được ghi nhận là Trung Quốc (+ 30%) và Thổ Nhĩ Kỳ (+ 12%), giảm mạnh nhất là các nước EU (-30%).

Năng lượng là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Nga. Và điều này cũng mang lại rủi ro, bởi vì khi giá dầu giảm, thu nhập từ ngoại thương của Nga cũng sẽ giảm, và việc thu hẹp thương mại với các nước phương Tây phần lớn là do lệnh cấm cung cấp công nghệ, thiết bị và máy móc cho Liên bang Nga, hoặc cái gọi là "nhập khẩu đầu tư". Điều này có thể làm chậm sự phát triển của nền kinh tế Nga trong tương lai.

Tiếp theo hải quan, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã tiết lộ số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm nay. Theo ước tính sơ bộ của ngân hàng, thặng dư cán cân thanh toán vãng lai của Liên bang Nga lên tới 198,4 tỉ USD (cùng kỳ năm ngoái con số này là 75,3 tỉ USD). Cán cân thương mại do hải quan hạch toán được bao gồm trong cán cân thanh toán rộng hơn của Ngân hàng Trung ương, tổng hợp tất cả các luồng tài chính đến và đi của Nga.

Dmitry Plekhanov - nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn diện - giải thích: Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Liên bang về cán cân thương mại của Nga thể hiện sự khác biệt giữa khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Điều này xảy ra vì hai lý do chính. Thứ nhất, do nguồn cung sản phẩm nhập khẩu gặp khó khăn, đỉnh điểm là quý II. Thứ hai, do giá nguyên liệu thô xuất khẩu của Nga tăng, dẫn đến thu nhập từ xuất khẩu tăng so với năm ngoái.

Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga về thặng dư tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán là một chỉ số rộng hơn, ngoài cán cân thương mại, còn bao gồm cán cân thương mại dịch vụ và các loại thanh toán thu nhập (lãi chứng khoán, tiền lương, chuyển khoản, v.v.).

Chi phí của người Nga khi thanh toán cho các dịch vụ nhập khẩu và chuyển thu nhập cho người không cư trú theo truyền thống vượt quá khối lượng thu nhập từ người không cư trú tại Liên bang Nga, do đó, Nga thâm hụt trong các thành phần này của cán cân thanh toán, dẫn đến thực tế là thặng dư tài khoản vãng lai ít hơn thặng dư thương mại của cả nước.

Có thể nói, thặng dư tài khoản vãng lai từ Ngân hàng Trung ương là một chỉ báo phức tạp hơn về dòng ngoại hối vào trong nước. Nếu giá trị này là dương, thì quốc gia đó thường không bị thiếu hụt ngoại hối và có thể mua hàng nhập khẩu mà không cần vay hoặc bán tài sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn