MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở lưu trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh minh họa. Ảnh: Xinhua

Nga, EU lên phương án về số phận tuyến đường ống dẫn khí cuối cùng

Thanh Hà LDO | 27/01/2024 12:02

Nga sẽ sử dụng các tuyến đường ống dẫn khí thay thế nếu không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Ukraina.

Nga sẽ sử dụng các tuyến đường ống dẫn khí và cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển để thay thế trong trường hợp Ukraina không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu, Reuters dẫn phát biểu của Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Thỏa thuận 5 năm hiện hành giữa Mátxcơva và Kiev về việc vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.

Chia sẻ với báo giới, ông Peskov cũng tiết lộ, chuỗi logistics để xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ được cải tổ trong trường hợp thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina không được gia hạn.

Trước đó, truyền thông quốc tế dẫn thông tin từ chính phủ Ukraina cho biết, Kiev sẽ không hướng tới các cuộc đàm phán với Mátxcơva về khả năng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt.

Đường ống dẫn khí qua Ukraina từng là tuyến đường xuất khẩu khí đốt chính của Nga sang châu Âu. Tuy nhiên, vận chuyển khí đốt qua nước này giảm dần khi Nga xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream ở Baltic và đường ống TurkStream ở Biển Đen. Đường ống Nord Stream đưa khí đốt từ Nga tới Đức hiện đã bị hỏng trong khi TurkStream đưa khí đốt Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang hoạt động.

Xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu cũng giảm mạnh trong bối cảnh xung đột ở Ukraina. Vị trí nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu của Nga hiện thuộc về Na Uy.

Cũng liên quan tới việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina, Bloomberg dẫn nhiều nguồn tin cho biết, Liên minh châu Âu đang chuẩn bị loại trừ khả năng gia hạn thỏa thuận đường ống dẫn khí quan trọng của Ukraina với Nga khi hợp đồng này hết hạn vào cuối năm nay.

Nguồn tin cho hay, cơ quan điều hành EU lập luận rằng, ngay cả những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga - bao gồm Áo và Slovakia - cũng có thể tìm được nguồn cung thay thế trong trường hợp bị cắt.

Theo đó, Ủy ban châu Âu đã tiến hành phân tích sơ bộ về các kịch bản tiềm tàng khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraina bị chấm dứt, trong đó có lập mô hình về năng lực của các tuyến kết nối khác, như TurkStream, để bù đắp lượng bị mất.

Cơ quan điều hành EU sẽ thảo luận vấn đề này với các quốc gia thành viên vào tháng 2 trước khi chính thức trình bày kế hoạch này với các bộ trưởng năng lượng trong cuộc họp ở Brussels vào ngày 4.3.

Một nguồn tin thừa nhận vẫn còn cách để các quốc gia và công ty có hợp đồng đảm bảo được nguồn cung khí đốt qua Ukraina sau năm 2024. Một trong số các phương án là Nga sẽ cung cấp khí đốt đến biên giới Ukraina, sau đó một cơ quan của EU sẽ thỏa thuận với nhà điều hành hệ thống truyền tải của Ukraina để vận chuyển khí đốt đến Áo, Slovakia hoặc Cộng hòa Czech - 3 quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung từ Nga.

Châu Âu vẫn nhận khí đốt Nga qua đường ống dẫn khí với Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu cũng đã thành công trong việc thay thế lượng khí đốt bị mất từ Nord Stream. Dù vậy, Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho châu Âu sau Mỹ.

Ví dụ, hơn một nửa lượng khí đốt tiêu thụ của Áo vẫn nhập từ Nga, với các khoản thanh toán cho Gazprom theo hợp đồng dài hạn ngày càng tăng do giá khí đốt cao hơn kể từ khi chiến sự bắt đầu.

Ukraina vẫn là tuyến dẫn khí quan trọng dù lưu lượng vận chuyển thực tế đã thấp hơn 40% theo hợp đồng kể từ tháng 5.2022. Ukraina cũng mất quyền kiểm soát một điểm nhập cảnh xuyên biên giới quan trọng bởi Nga giành quyền kiểm soát phía đông nước này.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspects nhận định, ngay cả khi không có thỏa thuận mới về trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraina, vẫn có khả năng Gazprom duy trì cung cấp cho những khách hàng EU có nhu cầu bằng cách đăng ký công suất ngắn hạn ở Ukraina. Theo phương án này, công ty Nga có thể triển khai thông qua đấu giá công suất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn