MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
IL-20 của Nga. Ảnh: Sputnik

Nga không dễ “hy sinh” quan hệ với Israel sau vụ máy bay bị bắn hạ ở Syria

Ngọc Vân LDO | 20/09/2018 07:08

Nga và Israel từ lâu đã có mối quan hệ tương đối tốt đẹp, bất chấp bất ổn ở Trung Đông, song mối quan hệ này đứng trước thử thách sau khi quân đội Nga cáo buộc phi công Israel lợi dụng máy bay Nga như vỏ bọc để không kích Syria, khiến chiếc IL-20 bị lực lượng phòng không Syria nhắm bắn, làm 15 quân nhân Nga thiệt mạng.

Trung Đông là khu vực cạnh tranh gay gắt với nhiều mối quan hệ phức tạp, cạnh tranh lợi ích và xung đột tham vọng, nhưng thông qua ngoại giao tinh tế và kín đáo, Mátxcơva duy trì quan hệ gần gũi với Tel Aviv, bất chấp thực tế Israel là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ.

Ngay cả cuộc chiến ở Syria, nơi Israel - với hy vọng kiềm chế ảnh hưởng của Iran - ủng hộ các chiến binh chống chính phủ, cũng không dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ với Nga. Trong suốt cuộc xung đột, không quân Israel tiến hành nhiều cuộc không kích vào Syria, bị cả Syria và Nga lên án. Tuy nhiên, sự lên án của Nga không đủ mạnh mẽ, bởi đó là “một phần thoả thuận của các quý ông” với Israel - RT dẫn bình luận của ông Gevorg Mirzayan, chuyên gia Hội đồng tư vấn Nga về các vấn đề quốc tế.

Tất nhiên, một sự leo thang như vậy sẽ không có lợi cho cả Israel lẫn Nga. Ban đầu, sau cuộc tấn công của Israel vào Latakia đêm 16.9 khiến máy bay Nga vô tình bị bắn hạ, Nga tuyên bố “có quyền đáp trả”, “coi hành động khiêu khích của Israel là thù địch” và “15 quân nhân Nga hy sinh vì những hành vi vô trách nhiệm của quân đội Israel. Điều này hoàn toàn trái với tinh thần quan hệ đối tác Nga - Israel” - tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

“Nga có nhiều cách trực tiếp và gián tiếp để làm tổn hại đến lợi ích của Israel, nếu họ muốn như vậy” - chuyên gia Sergey Balmasov, Viện Trung Đông nói. Sau sự cố, Nga có thể gần như chắc chắn hoàn tất việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria, thậm chí đưa nhân lực sang vận hành hệ thống này. Ngoài ra, Nga cũng có thể chọn cách cung cấp vũ khí cho những lực lượng mà Israel coi như kẻ thù, chẳng hạn như Iran hoặc Hezbollah của Lebanon. 

Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa Nga và Syria có vẻ không đến mức xấu đi nghiêm trọng. Ngày 18.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ máy bay Il-20 bị bắn hạ ở Syria là thảm kịch nhưng cho rằng, vụ việc "giống chuỗi tình huống bi thảm vô tình xảy ra, bởi máy bay Israel đã không bắn hạ máy bay của chúng tôi". 

Ông Putin khẳng định, Nga sẽ điều tra vụ việc cũng như tăng cường an ninh cho quân đội Nga tại Syria.

Tối cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, kêu gọi Israel tránh những sự cố như vậy trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn