Lo ngại Nga kéo dài thời gian bảo trì
Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển 55 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Bảo trì đường ống kéo dài từ ngày 11 đến 21.7.
Đức hoan nghênh quyết định của Canada về việc cho phép đưa thiết bị trở lại đường ống Nord Stream 1. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng của Ukraina đã bày tỏ sự thất vọng, kêu gọi Canada đảo ngược quyết định này. Về phần mình, Siemens Energy cho biết, đang làm việc theo các phê duyệt chính thức cũng như trong vấn đề logistics để đưa turbine trở về đường ống sớm nhất có thể.
Châu Âu lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian bảo trì đường ống Nord Stream 1 khiến nguồn cung khí đốt cho Châu Âu eo hẹp hơn nữa và khiến kế hoạch đổ đầy kho dự trữ cho mùa đông của châu lục này bị xáo trộn, làm tăng thêm sức ép khủng hoảng khí đốt khiến các chính phủ phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp và người tiêu dùng đối mặt với hóa đơn cao hơn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc Nga đang sử dụng dầu khí để gây sức ép, nhấn mạnh ngừng hoạt động để bảo trì là việc làm thường xuyên, theo lịch trình và không ai "phát minh" ra bất kỳ việc sửa chữa nào.
Có những đường ống lớn khác từ Nga đến Châu Âu nhưng dòng khí đốt qua đó cũng đang giảm, đặc biệt là sau khi Ukraina ngừng một tuyến vận chuyển khí đốt vào tháng 5. Bên cạnh đó, Nga đã cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho một số quốc gia Châu Âu không tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.
Đòn giáng kinh tế nhiều tỉ USD
Đức đã chuyển sang giai đoạn 2 của kế hoạch khí đốt khẩn cấp 3 cấp độ, tức đang ở bước cận kề chính phủ phải phân bổ định mức tiêu thụ nhiên liệu.
Berlin cũng đã cảnh báo về suy thoái nếu dòng khí đốt của Nga bị ngừng lại. Số liệu từ hiệp hội công nghiệp Vbw của bang Bavaria chỉ ra, trong nửa cuối năm nay, thiệt hại kinh tế có thể là 193 tỉ euro (193,4 tỉ USD).
Giám đốc điều hành Vwb, ông Bertram Brossardt cho biết: “Việc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga đột ngột cũng sẽ có tác động đáng kể đến lực lượng lao động ở Đức... Khoảng 5,6 triệu việc làm sẽ chịu ảnh hưởng từ việc này". Tác động vẫn sẽ rộng hơn. Việc ngừng hoàn toàn khí đốt Nga sẽ khiến giá khí đốt của Châu Âu vốn đã cao hơn trong thời gian dài.
Giá khí đốt bán buôn của Hà Lan, mức giá tham chiếu cho thị trường Châu Âu, đã tăng hơn 400% kể từ tháng 7 năm ngoái.
Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết: “Nếu Nord Stream bị đóng, hoặc nếu Đức mất toàn bộ khí đốt nhập khẩu từ Nga, thì tác động sẽ nhận thấy ở toàn bộ khu vực tây bắc Châu Âu”.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters vào tuần trước, ông cho biết, mỏ khí đốt Groningen của Hà Lan vẫn có thể là giải pháp cho các nước láng giềng trong trường hợp nguồn cung của Nga bị cắt hoàn toàn. Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất ở mỏ khí đốt này có nguy cơ gây ra động đất.
Trong khi đó, việc ngừng cung cấp khí đốt thông qua Nord Stream 1 gây tổn hại cho Nga cũng tương tự Tây Âu vì nước này sẽ mất doanh thu.
Vào tháng 6, Bộ Tài chính Nga dự kiến thu thêm 393 tỉ rúp (6,4 tỉ USD) doanh thu từ dầu khí so với kế hoạch ngân sách ban đầu. Trong tháng 7, Nga dự kiến vượt 259 tỉ rúp (4,5 tỉ USD).
Theo Goldman Sachs, việc bảo trì kéo dài cũng có thể dẫn đến việc Nga phải đóng cửa sản xuất khí đốt nhiều hơn mức sụt giảm 9% so với cùng kỳ năm trước trong sản lượng Gazprom đã báo cáo cho tới nay.