MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP.

Nga “ngư ông đắc lợi” nhờ canh bạc Iran của ông Donald Trump

Liên Hà LDO | 12/05/2018 15:25
Các công ty của Nga có thể hưởng lợi từ động thái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ.

"Thỏa thuận và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt năm 2015 đánh dấu sự trở lại của các doanh nghiệp Châu Âu tới Iran. Nhưng không chắc hiện họ có thể tiếp tục việc kinh doanh. Việc này sẽ để lại "địa bàn" cho Nga", nhà khoa học chính trị độc lập Vladimir Sotnikov chia sẻ với AFP.

"Hiện Nga có thể tiến tới với tốc độ tối đa", ông nói thêm.

Mối quan hệ Nga và Iran đã cải thiện từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Những năm 1990, Mátxcơva đồng ý tiếp tục xây dựng nhà máy hạt nhân Iran Bushehr mà Đức từ bỏ.

Theo AFP, Nga và Iran tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế từ lâu trước thỏa thuận năm 2015.

"Các công ty Châu Âu tiếp xúc nhiều hơn với thị trường Mỹ, họ phải tuân thủ để tránh vướng vào rắc rối. Người Nga ít tiếp xúc và ít tổn hại hơn", nhà phân tích Igor Delanoe  - nhóm Franco-Russian Observatory -  cho biết.

Chuyên gia này đánh giá, các công ty Nga có thể tiếp tục kinh doanh ở Iran "mà không gặp bất kỳ phiền toái nào" ngay cả khi lệnh trừng phạt được đưa ra.

Ông cho rằng, động thái của Mỹ đã buộc Iran phải chuyển hướng một cách có hệ thống sang Nga và Trung Quốc.

Tình hình hiện tại có thể mang lại sức sống mới cho mối quan hệ kinh tế Nga-Iran. Thương mại song phương Nga- Iran khoảng 1,7 tỷ USD trong năm 2017, giảm 20% so với năm trước và thấp hơn nhiều so với con số hơn 3 tỷ USD vào cuối những năm 2000.

Trong chuyến thăm Tehran hôm 10.5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay, hai nước có ý định tiếp tục "hợp tác kinh tế toàn diện". "Chúng tôi không sợ bị trừng phạt", ông Ryabkov nói.

"Nga muốn bán thép, cơ sở hạ tầng vận tải và các hàng hóa sản xuất khác cho Iran. Sự cạnh tranh ít hơn từ Mỹ và EU là điều tốt", Charlie Robertson - nhà phân tích tại Renaissance Capital - cho biết.

Chuyên gia Igor Delanoe nói rằng, Nga có vai trò thực sự trong lĩnh vực năng lượng và điện của Iran. Một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Nga sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận Iran là việc tăng giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Alfa của Nga cho biết, những căng thẳng hiện tại khiến giá dầu duy trì ở mức cao. Họ gọi đây là sự "cứu trợ lớn cho thị trường Nga".

AFP đánh giá, đối với nhà nước Nga, đây là nguồn thu đáng kể vào thời điểm Tổng thống Vladimir Putin vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 với cam kết phát triển nền kinh tế Nga và giảm nghèo.

Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục quan hệ kinh doanh bình thường với Iran. Hiện Bắc Kinh đang tài trợ cho các dự án điện và cơ sở hạ tầng nhiều tỷ USD tại quốc gia Trung Đông này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn