MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Nga phản hồi tối hậu thư về hòa đàm của Ukraina

Thanh Hà LDO | 10/09/2024 12:17

Nga xem các sáng kiến hòa bình của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky là một “tối hậu thư thuần túy”.

Đây là bình luận của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov sau cuộc họp về hợp tác chiến lược với các quốc gia Arab tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 9.9.

Ông Lavrov nhấn mạnh, việc phương Tây kiên định tuân theo cái gọi là "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraina Zelensky cho thấy phương Tây không có ý định đàm phán với Nga trên cơ sở bình đẳng.

"Sáng kiến của ông Zelensky đã được biết đến từ lâu. Nó trở thành vấn đề nhức nhối với tất cả mọi người. Đó chỉ như một tối hậu thư thuần túy. Việc phương Tây theo đuổi tối hậu thư này chỉ có nghĩa phương Tây không muốn đàm phán một cách trung thực" - Ngoại trưởng Nga chia sẻ.

Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, Nga thậm chí chưa bao giờ xem xét nghiêm túc sáng kiến của Tổng thống Ukraina Zelensky và chỉ bày tỏ "sự ngạc nhiên khi vẫn có người ủng hộ sáng kiến đó".

Theo nhà ngoại giao Nga, nhiều cuộc thảo luận về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraina bỏ qua nhân tố cốt yếu cũng là một trong những lý do cơ bản khiến Nga phát động chiến dịch tấn công Ukraina năm 2022.

"Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói đã đến lúc bắt đầu đàm phán", ông Lavrov nói. Ông đồng thời lưu ý, truyền thông Đức đã gợi ra rằng, những cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraina sẽ được triển khai dựa trên thực tế là "sẽ phải tính đến tình hình thực địa trong khi giải quyết vấn đề lãnh thổ".

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh "vấn đề không phải là lãnh thổ" và Mátxcơva "không bao giờ muốn đất đai của người khác", mà thứ Nga muốn là "những người là một phần không thể thiếu của thế giới Nga, văn hóa Nga, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo Nga, được đối xử nhân đạo theo yêu cầu của luật pháp quốc tế".

Ông Lavrov chỉ ra, dù việc xác định thời gian và địa điểm đàm phán về Ukraina sẽ tương đối dễ dàng nhưng điều quan trọng hơn là phải thống nhất về những gì sẽ được thảo luận tại các cuộc đàm phán hòa bình đó.

"Nếu chúng tôi thảo luận về lời kêu gọi ngừng bắn và nghĩ tới trao đổi lãnh thổ thì điều này không thành vấn đề. Nhưng vấn đề không nằm ở các vùng lãnh thổ, vấn đề nằm ở quyền của những người đã bị luật pháp chà đạp" - ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn