MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nga phê duyệt và sản xuất vaccine COVID-19 thứ ba

Song Minh LDO | 22/02/2021 07:39

Nga phê duyệt vaccine COVID-19 thứ ba mang tên CoviVac để sử dụng trong nước và bắt đầu sản xuất trước khi các thử nghiệm hoàn tất.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 21.2, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết, Nga đã phê duyệt CoviVac, vaccine COVID-19 thứ ba để sử dụng trong nước, mặc dù các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn vẫn chưa bắt đầu.

Vaccine CoviVac dựa trên một loại vaccine rất thành công mà Nga đã phát triển để ngăn ngừa bệnh bại liệt và có thể hiệu quả hơn trong việc chống lại các đột biến của COVID-19, vì đây là vaccine sử dụng dạng bất hoạt của virus Corona đã bị tước bỏ khả năng tái tạo.

Ngược lại, vaccine Sputnik V hàng đầu của Nga là vaccine vectơ có RNA virus Corona được tiêm vào virus cúm thông thường.

CoviVac được sản xuất bởi Trung tâm Chumakov, nơi có quá trình lâu dài về nghiên cứu miễn dịch học.

Giống như hầu hết các loại vaccine khác, CoviVac được tiêm hai liều, cách nhau 14 ngày. Và giống như các loại vaccine khác của Nga, nhưng không giống như vaccine RNA của phương Tây, nó có thể được bảo quản và vận chuyển trong tủ lạnh thông thường ở nhiệt độ 2-8 độ C.

Việc thử nghiệm loại vaccine mới này với 200 người từ 18 đến 60 tuổi đã bắt đầu được thực hiện vào tháng 9. Cho đến nay, vaccine không có tác dụng phụ, bao gồm cả không sốt.

Tự tin về kết quả khả quan, việc sản xuất CoviVac đã bắt đầu và 120.000 liều đầu tiên đã được sản xuất, nhưng sẽ không có liều nào được tung ra cho đến khi các thử nghiệm dự kiến ​​hoàn thành vào tháng 3 - Thủ tướng Mishustin nói. Sau đó, Trung tâm Chumakov có thể sản xuất khoảng nửa triệu liều mỗi tháng.

Vaccine Sputnik V được phát triển bởi Viện Gamaleya của Mátxcơva, nơi trước đây đã nghiên cứu vaccine hiệu quả chống lại Ebola, và nó cũng đã được gấp rút thông qua quy trình phê duyệt.

Việc phê duyệt trước đó đã khiến giới khoa học ở phương Tây lo ngại, nhưng việc tiêm hai mũi đầu tiên chỉ bắt đầu trên quy mô đại trà ở Nga sau khi các thử nghiệm được kết thúc và cho thấy thành công.

Một nghiên cứu được đánh giá ngang hàng công bố trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh cho thấy, vaccine Sputnik V của Nga có hiệu quả 91,6% và đã giải quyết được phần lớn những lời chỉ trích về việc Nga bỏ qua quy trình phê duyệt thông thường.

Sputnik V đã được phê duyệt vào tháng 8 và các thử nghiệm giai đoạn cuối bắt đầu vào tháng 9. Việc tiêm chủng đại trà đã được đưa ra vào tháng 12, sau khi kết quả thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine này có hiệu quả 91,4%.

Điện Kremlin tuyên bố, cho đến nay, hơn 2 triệu người Nga đã được chủng ngừa ít nhất liều Sputnik V đầu tiên.

Việc triển khai vaccine COVID-19 thứ hai ở Nga, do Viện Vector ở Novosibirsk phát triển, cũng vừa bắt đầu vào tháng Hai.

Trung tâm Chumakov được Mikhail Chumakov thành lập năm 1955 tại St Petersburg và được biết đến với công trình hợp tác với nhà khoa học Mỹ Albert Sabin vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh để phát triển một loại vaccine hiệu quả chống lại một loại vaccine bại liệt được sử dụng rộng rãi, theo Reuters.

“Loại vaccine mà chúng tôi đã phát triển... phản ánh toàn bộ lịch sử khoa học vaccine của Nga, cũng như toàn cầu” - Giám đốc Trung tâm Chumakov, Aidar Ishmukhametov, cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn