MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân tại tổ hợp hóa dầu ZapSibNeftekhim ở Tobolsk, Nga. Ảnh: AFP

Nga thừa nhận nguy cơ từ giá trần mà phương Tây áp đặt

Thanh Hà LDO | 28/12/2022 06:59

Giá trần dầu của Nga có thể làm tăng thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2023. 

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, thâm hụt ngân sách của Nga có thể lớn hơn mức dự kiến 2% GDP trong năm 2023 khi giá trần làm giảm thu nhập xuất khẩu.

Theo Reuters, bình luận của Bộ trưởng Anton Siluanov là sự thừa nhận rõ ràng nhất từ Mátxcơva rằng mức giá trần 60 USD/thùng dầu của Nga do G7, Liên minh Châu Âu (EU) và Australia áp đặt ngày 5.12 thực sự có thể ảnh hưởng tới tài chính của Nga.

Tuần trước, Nga cho biết, việc áp giá trần với dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế có thể dẫn tới việc nước này cắt giảm sản lượng dầu từ 5-7% vào đầu năm 2023. Dù cắt giảm sâu ở mức độ nào, ông Anton Siluanov lưu ý, các cam kết chi tiêu sẽ được đáp ứng, thông qua khai thác các thị trường nợ và khoản ngân sách dự trữ của đất nước, khi cần thiết.

"Liệu có thể xảy ra thâm hụt ngân sách lớn hơn không? Điều đó có thể xảy ra nếu doanh thu thấp hơn dự tính. Những rủi ro trong năm tới là gì? Rủi ro về giá cả và các biện pháp hạn chế" - Reuters ngày 27.12 dẫn lời ông Siluanov chia sẻ với báo giới.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: AFP

Ngày 9.12, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng mức giá trần 60 USD tương ứng với mức giá mà Nga bán dầu, đồng thời khẳng định: "Đừng lo lắng về ngân sách". 

Theo Bộ trưởng Siluanov, việc cắt giảm khối lượng xuất khẩu năng lượng là có thể xảy ra trong bối cảnh một số quốc gia không muốn nhập dầu của Nga và Mátxcơva đang tìm cách phát triển các thị trường mới. 

Ông Siluanov chỉ ra, Nga có 2 nguồn tài trợ bổ sung: Quỹ tài sản quốc gia (NWF) - nơi có dự trữ nhà nước và các khoản vay.

Nga hiện dự kiến chỉ sử dụng hơn 2 nghìn tỉ rúp (29 tỉ USD) từ NWF trong năm 2022 khi tổng chi tiêu vượt quá 30 nghìn tỉ rúp (432 tỉ USD), vượt kế hoạch của năm.

"Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, các điều kiện kinh tế vĩ mô đã thay đổi, lạm phát tăng và cần nguồn lực lớn để hỗ trợ các gia đình" - ông Siluanov nói.

Chi tiêu của NWF trong tháng 12 có thể lên tới 1,5 nghìn tỉ rúp (21,2 tỉ USD). Tính đến ngày 1.12, vốn lưu động trong NWF đạt 7,6 nghìn tỉ rúp (107,3 tỉ USD), tương đương 5,7% GDP của Nga.

Nga đang chuyển các quỹ cho an ninh trong nước và quốc phòng. Việc này sẽ khiến ngân sách cho trường học và bệnh viện bị cắt giảm vào năm tới cũng như phải vay mượn nhiều để đáp ứng mục tiêu. 

Chỉ riêng trong quý 4 của năm 2022, Bộ Tài chính Nga đã huy động được hơn 3 nghìn tỉ rúp (42,3 tỉ USD) tại các cuộc đấu giá nợ của chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn