MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Nga trưng cầu dân ý sửa Hiến pháp, bỏ quy định về nhiệm kỳ của Tổng thống

Ngọc Vân LDO | 25/06/2020 19:01
Nga bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa Hiến pháp, dỡ bỏ nhiệm kỳ tổng thống, mở đường để ông Putin có thể tái tranh cử sau năm 2024.

Hơn 3.600 trạm bỏ phiếu đã được mở tại thủ đô Mátxcơva vào ngày bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp Nga - Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử Mátxcơva Dmitry Reut nói với TASS hôm 25.6, đồng thời khẳng định rằng mọi người dân trên cả nước đều được đảm bảo cơ hội bỏ phiếu tại trạm bỏ phiếu hoặc tại nhà. 

Cuộc trưng cầu dân ý ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 22.4, song Tổng thống Putin quyết định trì hoãn đến ngày 1.7 do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp ở Nga. Giới chức Nga cho hay, cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành từ ngày 25.6 đến 1.7 để tránh tình trạng quá tải có thể lây nhiễm COVID-19.

Tổng thống Putin đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1993 vào tháng 1 năm nay. Ngày 11.3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga chấp thuận dự luật sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Putin đệ trình. Cùng ngày, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga cũng thông qua dự luật.

Dự luật đề xuất mở rộng quyền hạn của Quốc hội Nga và Tòa án Hiến pháp Nga, sửa đổi điều khoản nhiệm kỳ tổng thống. Dự luật cũng mở rộng các nghĩa vụ của chính phủ trong lĩnh vực xã hội. Hiện tại, Hiến pháp Nga quy định tổng thống chỉ có thể phục vụ 2 nhiệm kỳ, tuy nhiên, nếu Hiến pháp sửa đổi được thông qua, tổng thống có thể được bầu lại sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Theo Hiến pháp hiện tại, nhiệm kỳ của ông Putin sẽ hết hạn vào năm 2024. Nếu Hiến pháp mới được thông qua, ông Putin có thể tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa và nếu đắc cử ông sẽ ở lại Điện Kremlin cho đến năm 2036.

Tuần trước, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông chưa quyết định có nên tìm kiếm một nhiệm kỳ khác sau năm 2024 hay không, nhưng điều cần thiết là ông có quyền lựa chọn gia hạn nhiệm kỳ.

“Tôi biết rằng trong hai năm, thay vì làm việc bình thường ở tất cả các cấp, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc tìm kiếm những người kế nhiệm tiềm năng. Chúng tôi phải làm việc và không tìm kiếm người kế nhiệm" - ông Putin nói.

Các quan chức cấp cao của Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao cho Tổng thống Putin cơ hội duy trì quyền lực.

Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin mô tả các cải cách là cần thiết nếu Nga muốn "đảm bảo sự ổn định, loại bỏ sự không chắc chắn".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev nói với TASS, Nga sửa đổi Hiến pháp sẽ mở rộng vai trò của Quốc hội trong việc thành lập chính phủ, theo đó củng cố nguyên tắc phân chia quyền lực.

"Nếu những sửa đổi này được thông qua, Quốc hội, đặc biệt là Hạ viện, sẽ có vai trò quan trọng hơn nhiều trong việc thành lập chính phủ" - ông Medvedev nói.

"Theo quan điểm của tôi, điều này sẽ thúc đẩy nguyên tắc phân chia quyền lực - là nguyên tắc chung của các quốc gia dân chủ” - cựu Thủ tướng Nga Medvedev nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn