MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thay đổi trong không gian vũ trụ kể từ khi phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất vào ngày 4.10.1957. Ảnh: Roscosmos

Nga tuyên bố đẩy lùi mọi cuộc chiến trong không gian vũ trụ

Nguyễn Quang (Theo svpressa.ru) LDO | 03/09/2021 13:30
Nga tuyên bố chắc chắn sẽ sẵn sàng đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào, kể cả trong không gian vũ trụ.

Cuộc chiến không gian

Mới đây, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, nói rằng các cuộc chiến trong tương lai có thể bắt đầu ở ngoài không gian, đây không còn là câu chuyện khoa học viễn tưởng nữa, mà là đánh giá thực tế về một kịch bản có thể xảy ra xung đột trong không gian.

Không gian từ lâu đã không còn yên bình và đã ngập tràn những vệ tinh quân sự và vệ tinh tiêu diệt. Sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra các trận chiến giáp lá cà với nhau.

“Nếu nói về các cuộc chiến trong tương lai và những dự báo được các nhà phân tích đưa ra, thì một cuộc chiến nghiêm trọng, nếu có, sẽ bắt đầu trong không gian. Bởi vì, chính việc phá hủy nhóm quỹ đạo của kẻ thù mà xung đột sẽ bắt đầu. Nga đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh với tổn thất to lớn, vì vậy chúng tôi chắc chắn sẽ sẵn sàng đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào, kể cả trong không gian vũ trụ" - ông Rogozin nói trong một cuộc phỏng vấn với Gazeta.ru.

Theo Gazeta.ru, có thể cho rằng Nga vừa tiến hành một số cuộc thử nghiệm thành công, rất có khả năng là vũ khí chống vệ tinh, vì thế nên ông Rogozin đã đưa ra một tín hiệu cho "kẻ thù" thấy rằng Nga hoàn toàn có khả năng tự vệ trong không gian.

Bộ Tư lệnh không gian Mỹ đã nhiều lần tuyên bố có bằng chứng cho thấy Nga đang thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trong không gian. Thông tin tương tự cũng được người đứng đầu chương trình không gian của Anh, Harvey Smith, cung cấp. Ông Smith được cho là đang hết sức lo ngại về việc Nga đã phóng lên không gian một "vật thể có các đặc điểm giống như vũ khí Nga".

Lý do là Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo về việc thử nghiệm vệ tinh trinh sát cỡ nhỏ mới nhất, có thể kiểm tra một thiết bị bay khác của Nga ở cự ly gần. Bản thân Mỹ lâu nay cũng phát triển các vệ tinh tiêu diệt. Không gian đã không còn là đối tượng để khám phá nữa, mà đã trở thành một cuộc đấu tranh thực sự để giành quyền thống trị ở đó.

Hầu hết mọi vệ tinh, tàu vũ trụ của Mỹ, Nga hoặc các nước khác đều có mục đích kép, trong đó có mục đích quân sự. Đây là một thực tế được công nhận và không ai có thể kiểm chứng. Các chi tiết về thành phần quân sự của vệ tinh chỉ được một nhóm nhỏ các chuyên gia biết đến, mọi thứ khác chỉ là phỏng đoán và giả định.

Roscosmos có kế hoạch bắt đầu triển khai Trạm Dịch vụ Quỹ đạo mới của Nga (ROSS) trong 5-6 năm nữa. Ảnh: Roscosmos

"Chiến hào không gian" của Nga

Nhiều thay đổi trong không gian kể từ khi phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất vào ngày 4.10.1957. Bản thân số lượng vệ tinh đã trở nên lớn hơn rất nhiều (tính tới hàng nghìn chiếc), và số vệ tinh có yếu tố quân sự đã nhanh chóng vượt qua thời kỳ chung sống hòa bình trong quỹ đạo gần Trái đất, trở thành một cuộc đối đầu thực sự.

Mỹ là nước đầu tiên bắt đầu các chương trình chống vệ tinh, vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước đã phóng tên lửa Bold Orion từ máy bay ném bom B-47 Stratojet để kiểm tra khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào các phương tiện vũ trụ. Sau đó, dự án được cho là không hiệu quả và đã bị đình chỉ. Liên Xô, nước tham gia chương trình tiêm kích vệ tinh muộn hơn một chút nhưng đã vượt qua Mỹ đáng kể trong lĩnh vực này.

Chuyên gia quân sự Nga Vladimir Popov nói: “Tình hình bây giờ không đáng lo ngại đối với "không gian quân sự", nơi các vị trí dẫn đầu chính của Nga vẫn được bảo toàn mặc dù Mỹ hiện có hơn 1.000 vệ tinh trên quỹ đạo, nhiều hơn tất cả vệ tinh của các quốc gia khác cộng lại. Mỹ vẫn cảm thấy dễ bị tổn thương bởi các "vệ tinh thanh tra" của Nga vì chúng có khả năng kiểm soát và nếu cần thiết có thể tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh.

Nói một cách khách quan thì cả Nga và Mỹ đều tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh một cách thường xuyên. Vấn đề là cả hai bên đều không ứng dụng thực sự, mặc dù ngay cả ở Liên Xô vào giữa những năm 1980, người ta đặc biệt quan tâm đến dự án vệ tinh "kamikaze" - loại vệ tinh bằng cách tự phát nổ có thể phá hủy một phương tiện vũ trụ gần đó.

Nga đã xem xét đến phương án đánh chặn mà vệ tinh đánh chặn không cần tấn công chính xác tuyệt đối vào mục tiêu, mà chỉ cần phát nổ ở một khoảng cách nhất định so với mục tiêu và tiêu diệt nó bởi một những phân mảnh. Đó là dự án rẻ nhất, dễ dàng nhất và đáng tin cậy nhất. Sau đó, nó được gọi là chương trình “Tiêm kích săn vệ tinh”.

Ông Dmitry Rogozin nhấn mạnh, Nga sẽ không bao giờ từ bỏ quyền có không gian của mình và sẽ bảo vệ quyền đó nếu cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng các công cụ mới nhất. Và giờ đây, ông Rogozin nói về "chiến hào không gian" của Nga có khả năng bảo vệ cả không gian lẫn đất nước của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn