MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu đổ bộ Mặt trăng Luna-25 đã được tuyên bố là không còn tồn tại sau khi gặp sự cố quỹ đạo và đâm vào bề mặt Mặt trăng. Ảnh: AFP

Nga tuyên bố tàu đổ bộ Mặt trăng không còn tồn tại

Anh Vũ LDO | 21/08/2023 10:35

Tàu đổ bộ Mặt trăng Luna-25 của Nga đã gặp trục trặc và đâm vào Mặt trăng, gây nhiều thách thức cho kế hoạch thám hiểm không gian của nước này.

Ngày 20.8, tàu đổ bộ Luna-25 của Nga với sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng đầu tiên sau 47 năm, đã gặp trục trặc và bị phá huỷ sau một vụ va chạm, theo Space.com.

Luna-25 - tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Nga sau hơn 4 thập kỷ - đã gặp sự cố khi đâm vào bề mặt Mặt trăng vì quỹ đạo di chuyển gặp vấn đề.

Sự cố của Luna-25 có thể tác động lớn đến kế hoạch trên Mặt trăng của Nga, bao gồm việc xem xét lại kế hoạch triển khai các tàu thám hiểm tương lai. Tuy nhiên, Roscosmos đã công bố rằng họ sẽ tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân gốc rễ của tai nạn này.

"Vào khoảng 14h57 giờ Moscow (ngày 19.8), liên lạc với tàu vũ trụ Luna-25 bị gián đoạn. Các biện pháp được thực hiện vào ngày 19 và 20.8 để tìm kiếm thiết bị và liên lạc với nó không mang lại kết quả nào", Roscosmos viết trong một bản cập nhật trên Telegram.

Bên cạnh đó, một phân tích sơ bộ cho thấy rằng việc di chuyển quỹ đạo lệch hướng đã đưa Luna-25 vào một quỹ đạo bất ngờ, theo đó tàu đổ bộ Mặt trăng "không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt trăng".

Cuộc đua trở lại Mặt trăng

Luna-25 được thiết kế để hạ cánh ở cực nam Mặt trăng, một vị trí được cho là chứa nước đóng băng. Mục tiêu chính của sứ mệnh này là kiểm tra đá và regolith (vỏ hạt) xung quanh vị trí hạ cánh, nghiên cứu bầu khí quyển mỏng manh của Mặt trăng, và thử nghiệm các công nghệ cho các sứ mệnh đổ bộ mặt trăng trong tương lai.

Tuy nhiên, Nga không phải là quốc gia duy nhất đang hướng tới khu vực cực nam Mặt trăng. Ấn Độ cũng đang tiến hành sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan 3, trong khi NASA đã đặt mục tiêu quan sát vùng cực nam trong kế hoạch thám hiểm không gian Artemis của họ.

Roscosmos có kế hoạch theo dõi Luna-25 bằng một tàu quỹ đạo Mặt trăng, được gọi là Luna-26 và sau đó là hai nhiệm vụ hạ cánh nữa: Luna-27 sẽ đưa một giàn khoan lên bề mặt Mặt trăng và Luna-28, một nhiệm vụ thu thập mẫu nhằm mục đích đưa vật chất từ các vùng cực của Mặt trăng trở lại Trái đất.

Các sứ mệnh Mặt trăng tiếp theo đó có thể sẽ bị trì hoãn do sự thất bại của Luna-25, khi Roscosmos điều tra để tìm ra nguyên nhân gốc rễ khiến tàu thăm dò gặp tai nạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn