MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin ôm ông Gerhard Schroeder - Chủ tịch Ủy ban cổ đông Nord Stream 2 AG đồng thời là cựu thủ tướng Đức. Ảnh: TASS/Getty Images

Nga - Ukraina: Có thể tránh được nguy cơ “chiến tranh khí đốt” mới?

HẢI ANH LDO | 18/07/2018 11:00
Các quan chức từ Mátxcơva và Kiev có mặt tại Berlin hôm 17.7, tham gia cuộc đàm phán do Liên minh Châu Âu (EU) hậu thuẫn để bàn về tương lai của việc vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraina sang Châu Âu nhằm giảm thiểu nguy cơ về một cuộc “chiến tranh khí đốt” mới khi hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2019.

Tiến trình trước mắt rất phức tạp

Cuộc họp có Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina Pavlo Klimkin và các đại diện của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom và đối tác Ukraina Naftogaz, theo AFP.

“Rõ ràng thời gian là điều cốt yếu. Tiến trình đàm phán trước mắt rất phức tạp” - Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Maros Sefcovic phát biểu trước cuộc đàm phán.

Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã giảm đáng kể lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraina trong bối cảnh Mátxcơva và Kiev vẫn bất hòa quanh vấn đề Nga sáp nhập Crưm và xung đột ở phía đông của Ukraina. Kiev đang lo ngại mất nguồn thu từ thuế quá cảnh khí đốt, khi Nga đang xúc tiến các dự án đường ống dẫn khí mới sang Châu Âu.

Cuộc họp ngày 17.7 tập trung vào kế hoạch xây dựng và đưa vào hoạt động đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) của Gazprom vào cuối năm sau. Đường ống này khi đi vào hoạt động sẽ đưa khí đốt đến Đức qua biển Baltic, bỏ qua Ukraina. Tuyến đường ống này theo sau hệ thống Nord Stream 1 hiện tại và góp phần tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga đến nền kinh tế mạnh nhất EU.

Berlin từ lâu khẳng định, đây là 1 dự án hoàn toàn “thương mại”. Trong tháng 3, Đức đã dỡ bỏ những trở ngại cuối cùng đối với việc xây dựng tuyến đường ống này. Tuy nhiên, ngay tháng 4, Thủ tướng Đức Angela Merkel bất ngờ giáng đòn vào sáng kiến chiến lược này của Mátxcơva. Trong đó, Đức nhấn mạnh, Ukraina nên tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển khí đốt đến Châu Âu.

Cạnh tranh Mỹ - Nga tại thị trường khí đốt

Bàn về dự án này trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki hôm 16.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bán LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) và cạnh tranh với các đường ống dẫn khí (Nord Stream 2). Tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ cạnh tranh thành công. Mặc dù Nga có chút lợi thế về vị trí thuận lợi”.

Ông Donald Trump nói thêm rằng, cả 2 tổng thống đều là đối thủ cạnh tranh với vấn đề Nord Stream 2 và cá nhân ông không chắc chắn rằng, việc xây dựng này là vì lợi ích của Đức.

Theo Kyiv Post, sau hơn 2 giờ đàm phán riêng với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng tiếp tục duy trì vận chuyển khí đốt qua Ukraina, ngay cả sau khi xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2.

“Hơn nữa, chúng tôi sẵn sàng gia hạn hợp đồng quá cảnh vốn sắp hết hạn vào năm tới, nếu tranh chấp giữa các công ty (Naftogaz và Gazprom) được giải quyết tại tòa án trọng tài Stockholm” - ông Vladimir Putin cho biết.

Nhà sản xuất dầu và khí đốt Naftogaz thắng vụ kiện vào tháng 2 năm nay khi tòa trọng tài Stockholm phán quyết, Gazprom phải trả cho đối tác Ukraina 2,6 tỉ USD do không cung cấp đủ lượng khí đã thỏa thuận qua Ukraina để chuyển tới Châu Âu.

Nhu cầu khí đốt của Châu Âu đã tăng từ năm 2015, chủ yếu là do sản lượng giảm ở Hà Lan. Ngoài Nord Stream 2, một dự án khác mang tên Turkish Stream cũng đang được thiết lập để giảm vai trò của Ukraina trong quá trình vận chuyển khí đốt.

Mùa đông năm ngoái, Gazprom tăng xuất khẩu sang Châu Âu lên mức cao kỷ lục do thời tiết lạnh.“Quá cảnh khí đốt qua Ukraina sẽ tiếp tục là điều cần thiết cho sản lượng khí đáng kể trong suốt cả năm, cho đến khi Nord Stream 2 và Turkish Stream được đưa vào hoạt động”- nhà nghiên cứu Jack Sharples nói. Nhưng sau đó, vai trò của Ukraina sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận đạt được với Ủy ban Châu Âu hoặc nhu cầu của khách hàng.

Theo Thierry Bros - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford - các bên không chỉ đạt được thỏa thuận về tìm kiếm 1 hướng đi sau năm 2019 mà còn đang tìm giải pháp cho thời điểm hiện tại, khi Gazprom đang tìm cách hủy các hợp đồng với Ukraina. “Bây giờ, phải xem xét hợp đồng toàn cầu với 2 ẩn số - dự án Nord Stream 2 và biểu thuế trung chuyển, vì chúng ta không biết Ukraina sẽ đề xuất những gì. Nếu đây chỉ là về thương mại, Ukraina sẽ có thể khiến Nord Stream 2 không cạnh tranh nổi bằng cách hạ thuế quá cảnh” - ông chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn