MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nga - Ukraina nhất trí tiếp tục đàm phán

Hải Anh LDO | 02/03/2022 09:35

Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraina tại Belarus không đạt được đột phá nhưng hai bên cam kết tiếp tục vòng đàm phán thứ 2 trong vài ngày tới. Trên thực địa, các lực lượng Nga đang tiến gần hơn và mở đợt tiến công mới vào thủ đô Kiev, Ukraina. Trên trường quốc tế, phương Tây cũng công bố thêm các biện pháp trừng phạt mới với Nga về chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Kết quả quan trọng nhất của đàm phán

Cuộc hội đàm giữa 2 bên được tổ chức ở biên giới với Belarus. Ukraina muốn đảm bảo lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ. Điện Kremlin từ chối bình luận về mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. 

Cố vấn Tổng thống Ukraina Mykhailo Podolyak chia sẻ với báo giới sau cuộc họp rằng các quan chức hai bên sẽ trở về thủ đô để tham vấn thêm trước vòng đàm phán thứ hai. Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho hay: "Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã đồng ý tiếp tục đàm phán".

Trên thực địa, ảnh vệ tinh chụp ngày 28.2 cho thấy đoàn xe quân sự của Nga kéo dài khoảng 64km ở phía bắc thủ đô Kiev của Ukraina, dài hơn đáng kể so với đoàn xe 27km được báo cáo trước đó. Đoàn phương tiện quân sự của Nga, gồm xe bọc thép, xe tăng, pháo và phương tiện yểm trợ, vốn đã tập trung đông đảo từ 27.2, bao phủ toàn bộ đoạn đường từ gần sân bay Antonov gần Kiev đến thị trấn Prybirsk. Theo Công ty vệ tinh Maxar Technologies, các lực lượng triển khai thực địa bổ sung và các đơn vị trực thăng tấn công thực địa cũng được phát hiện ở phía nam Belarus, cách biên giới Ukraina chưa đầy 32km.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraina ngày 24.2, các lực lượng Ukraina đã bảo vệ những con đường dẫn vào trung tâm Kiev trước các cuộc tiến công từ nhiều hướng của các lực lượng Nga. Các quan chức Ukraina cho biết ngày 28.2, Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công mới vào thủ đô Kiev. Trong khi đó, giao tranh đã nổ ra xung quanh cảng Mariupol và ở thành phố Kharkiv. Tại Kharkiv, các lực lượng Nga đã mở những cuộc tấn công bằng tên lửa khiến “hàng chục” dân thường ở thành phố lớn thứ hai của Ukraina thiệt mạng, theo thị trưởng thành phố. 

Tổng thống Ukraina đã kêu gọi thiết lập vùng cấm bay với tên lửa, máy bay và trực thăng của Nga sau cuộc tấn công vào Kharkiv. Theo ông Zelensky, Nga đã thực hiện 56 cuộc tấn công bằng rocket và phóng 113 tên lửa hành trình trong vòng 5 ngày.

Ukraina xin gia nhập EU

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy đã ký văn bản chính thức yêu cầu gia nhập EU hôm 28.2. “Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vừa ký một văn kiện lịch sử - Đơn xin gia nhập Liên minh Châu Âu của Ukraina" - ông Andriy Sybiha - Phó Chánh Văn phòng tổng thống Ukraina - cho hay. Theo ông, Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk và Thủ tướng Denys Shmyhal cũng đã ký vào văn kiện. Quan chức Ukraina nói rằng, đơn xin gia nhập EU của Ukraina đang được chuyển đến Brussels. 

Một quan chức cấp cao của EU cho biết, các nhà lãnh đạo có thể thảo luận về khả năng trở thành thành viên của Ukraina tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức vào tháng 3. Tổng thống của 8 quốc gia Trung và Đông Âu cũng đã viết thư ngỏ kêu gọi các quốc gia thành viên EU ngay lập tức cấp cho Ukraina quy chế quốc gia ứng viên của EU và mở các cuộc đàm phán thành viên. 

Phương Tây đã viện trợ quân sự cho Ukraina, bao gồm cả vũ khí chống tăng và phòng không. Australia thông báo ngày 1.3 về cam kết tài trợ 70 triệu đôla Australia (50 triệu USD) cho các vũ khí phòng thủ sát thương, bao gồm tên lửa và đạn dược. Tại Châu Âu, các đồng minh đã trao cho Ukraina tên lửa chống tăng NLAW được thiết kế để tiêu diệt xe tăng ở cự ly ngắn. 

Ngoài tăng cường chuyển giao vũ khí để hỗ trợ Ukraina, các quốc gia phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt với Nga cũng như mở rộng sang Belarus. Tại Brussels, cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu Josep Borrell cho biết, các lệnh trừng phạt của EU sẽ khiến Châu Âu tổn thất "nhưng chúng ta phải sẵn sàng trả giá, nếu không chúng ta sẽ phải trả giá cao hơn nhiều trong tương lai".

Mỹ cũng thông báo trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga tại Liên Hợp Quốc, buộc họ phải rời đi trước 7.3 với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Về việc 12 nhà ngoại giao Nga bị yêu cầu rời đi, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya gọi đây là động thái vi phạm của Mỹ trong vai trò là nước đặt trụ sở Liên Hợp Quốc. “Có rất nhiều quốc gia hiểu tình thế của Nga là gì, đang làm gì và tại sao" - ông nói. 

Tờ Deutsche Welle của Đức ngày 1.3 nhận định, các biện pháp trừng phạt đã tác động tới nền kinh tế Nga, với việc Ngân hàng Trung ương thông báo sẽ tăng lãi suất cơ bản từ mức 9.5% lên mức chưa từng có 20%. Đồng rúp của Nga cũng giảm gần 30% so với đồng USD. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn