MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga xuất khẩu 5,68 triệu tấn ngũ cốc trong tháng 7.2023. Ảnh: Sputnik

Nga xuất khẩu ngũ cốc kỷ lục, nêu điều kiện trở lại thỏa thuận Biển Đen

Ngọc Vân LDO | 03/08/2023 10:26

Nga cung cấp lượng ngũ cốc kỷ lục cho thị trường toàn cầu vào tháng 7 bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Theo Liên minh Ngũ cốc Nga (RGU), xuất khẩu ngũ cốc của Nga trong tháng 7 lên tới 5,68 triệu tấn, bao gồm kỷ lục 4,54 triệu tấn lúa mì. Con số này cao gấp 1,6 lần so với cùng tháng năm ngoái.

Ba nước mua lúa mì hàng đầu của Nga là Saudi Arabia (578.000 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (518.000 tấn) và Ai Cập (467.000 tấn). Ngoài ra, Israel nhập 345.000 tấn, Bangladesh 222.000 tấn, Tanzania 94.000 tấn và Sudan mua 68.000 tấn.

“Các nước Mỹ Latinh đã trở thành những người mua lúa mì mới của Nga. Cụ thể, 62.000 tấn đã được chuyển đến Brazil và 49.000 tấn đến Peru. Năm ngoái, vào tháng 7, Brazil và Peru không mua lúa mì của chúng tôi” - bà Elena Tyurina - Giám đốc bộ phận phân tích tại RGU - nói với RIA Novosti.

Theo báo cáo, lúa mì của Nga được xuất khẩu tới 33 quốc gia vào tháng trước, so với 26 quốc gia vào tháng 7.2022.

Nga vẫn giữ vị thế là nhà xuất khẩu ròng nông sản trong năm 2022, chiếm 20% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới. Đất nước này ghi nhận vụ thu hoạch kỷ lục vào năm ngoái, đạt hơn 150 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có hơn 100 triệu tấn lúa mì.

Nga tuyên bố sẵn sàng nối lại ngay lập tức thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen khi các điều kiện của Mátxcơva được đáp ứng. Thỏa thuận được ký kết với sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, cho phép nông sản tiếp tục lưu thông qua các cảng của Ukraina. Ngày 17.7 vừa qua, Nga rút khỏi thỏa thuận với lý do các điều kiện của Nga không được đáp ứng.

Thu hoạch lúa mì ở Mykolaiv, Ukraina, ngày 21.7.2022. Ảnh: AFP

Phát biểu sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói hôm 1.8 rằng Chính phủ Nga có thể “quan tâm đến việc quay lại thảo luận” về thỏa thuận ngũ cốc, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã làm rõ lập trường của Nga.

“Mátxcơva sẵn sàng ngay lập tức quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc. Nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra sau khi các điều kiện liên quan đến Nga được đáp ứng” - ông Peskov nói với Sputnik.

Điện Kremlin đã nhiều lần vạch ra các tình huống Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc trong những tuần gần đây.

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Dmitry Polyansky, chỉ ra một số điều kiện, bao gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga; kết nối lại các tổ chức tài chính của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và chấm dứt các hạn chế đối với việc Nga nhập khẩu phụ tùng cho máy móc nông nghiệp.

Ông Polyansky cũng khẳng định, thỏa thuận ngũ cốc “phải phục hồi bản chất nhân đạo ban đầu” và giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm lương thực ở các quốc gia đang phát triển, thay vì làm cho các nước giàu trở nên giàu hơn.

Ông Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thỏa thuận. Không lâu sau khi Mátxcơva hủy bỏ thỏa thuận vào giữa tháng 7, cố vấn lập luận rằng thỏa thuận “không được thực hiện đầy đủ nên bị đình chỉ, do các điều kiện của Nga trong thỏa thuận không được thực hiện”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin giải thích, thỏa thuận ngũ cốc vẫn có hiệu lực về mặt kỹ thuật, nhưng lưu ý rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây như được nêu trong thỏa thuận đã không thành hiện thực.

Thỏa thuận ngũ cốc tạo hành lang nhân đạo qua Biển Đen để các chuyến tàu chở ngũ cốc và phân bón rời các cảng của Ukraina an toàn. Mátxcơva cáo buộc Kiev đã lợi dụng hành lang an toàn để tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn