MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngắm hàng chục nghìn con kiến ​​lửa xếp thành bè nổi thoát lũ lụt

Khánh Minh LDO | 01/07/2021 11:58
Cần rất nhiều tinh thần đồng đội để sống sót trong lũ lụt, và hàng chục nghìn con kiến ​​lửa đã kết thành bè để trôi nổi đến khi nước rút bớt.
Kiến ​​lửa kết thành bè để tiếp cận các bề mặt khô. Ảnh: Đại học Colorado Boulder

Một đoạn video time-lapse trên Live Science cho thấy cách những con kiến lửa cũng tạo ra băng chuyền sống trên những chiếc bè này để đưa chúng đến vùng đất khô.

Đoạn video cho thấy bè kiến ​​thay đổi hình dạng như thế nào chỉ trong vài giờ, với các phần chính của bè kiến ​​mở ra như xúc tu. Bè kiến gồm hai nhóm, một nhóm "cố định" kết chặt với nhau để giữ cho cả đàn nổi và một nhóm "tự do" di chuyển trên đỉnh bè, sau đó chuyển sang vị trí hỗ trợ bên dưới.

Có hơn 20 loài kiến ​​lửa trên toàn thế giới, nhưng kiến ​​lửa đỏ (red imported fire ant, tên khoa học là solenopsis invicta) là loài côn trùng ăn thịt hung dữ, sinh sản nhanh, có số lượng lớn - với những đàn khổng lồ lên tới 300.000 con, theo Đại học North Carolina.

Nếu tổ dưới lòng đất của chúng bị ngập, kiến ​​lửa liên kết với nhau để tạo ra những chiếc bè nổi có thể kết dính với nhau trong nhiều tuần, nếu cần thiết, mang theo đàn cho đến khi nước rút. Bộ xương ngoài của kiến ​​lửa đẩy nước một cách tự nhiên, và kết cấu thô ráp của nó bẫy các bong bóng khí. Do đó, cả một đàn kiến có thể tạo ra một bè nổi chịu nước.

Rất nhiều bè kiến ​​lửa xuất hiện ở miền nam Texas sau cơn bão Harvey tàn phá kỷ lục năm 2017. Những người sơ tán khỏi dòng nước lũ của cơn bão được khuyến cáo nên tránh xa bè kiến vì vết cắn của kiến ​​lửa cực kỳ đau đớn.

Nghiên cứu trước đó phát hiện ra rằng ngay cả sau khi cấu trúc của một chiếc bè kiến ​​ổn định, hình dạng của nó vẫn tiếp tục thay đổi, với các xúc tu mở rộng theo nhiều hướng - nhưng các nhà khoa học không biết chính xác điều đó đang xảy ra như thế nào.

Những con kiến "tự do" di chuyển trên những con kiến "cố định" neo lại với nhau để tạo thành một bè kiến lửa. Ảnh: Đại học Colorado Boulder

Các nhà nghiên cứu cho biết trong một bài viết công bố ngày 30.6 trên Tạp chí Royal Society Interface rằng, họ thu thập khoảng 3.000 đến 10.000 con kiến ​​lửa cùng một lúc và thả số côn trùng này vào các thùng chứa nước, ở giữa có một chiếc que. Kiến tụ tập lại xung quanh chiếc que và tạo thành bè.

Sau đó, các nhà khoa học đã quay phim các bè kiến, ghi lại cảnh quay thời gian trôi đi và thời gian thực về sự hình thành và thay đổi hình dạng của chiếc bè. Dữ liệu theo dõi hình ảnh và mô hình máy tính cho thấy bộ phận nào của bè kiến ​​là tĩnh, bộ phận nào đang chuyển động - và tất cả các con kiến ​​trong các lớp khác nhau của bè sẽ đi đến đâu.

Các yếu tố khác - chẳng hạn như mùa, thời gian trong ngày và môi trường sống của đàn kiến ​​- có thể ảnh hưởng đến hành vi của kiến ​​và cũng có thể đóng một vai trò trong động lực hình thành bè của kiến ​​lửa. Các biến số đó không được khám phá trong các thí nghiệm, nhưng chúng có thể được xem xét trong các nghiên cứu trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn