MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu tượng đồng euro ở Frankfurt, Đức. Ảnh: Xinhua

Ngân hàng Trung ương châu Âu bớt gánh nặng tâm lý

Ngọc Vân LDO | 02/06/2023 06:00
Ngân hàng Trung ương châu Âu bớt một phần gánh nặng tâm lý do lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm mạnh hơn dự kiến.

Reuters đưa tin, lạm phát khu vực đồng euro đã giảm hơn dự kiến trong tháng 5 do tốc độ tăng giá cơ bản chậm lại.

Điều này minh chứng cho việc tăng lãi suất một cách thận trọng khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất từ ​​trước đến nay của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu có hiệu lực.

Lạm phát ở 20 quốc gia dùng chung đồng euro đã giảm xuống 6,1% trong tháng 5 từ mức 7,0% trong tháng 4, dưới mức dự kiến là 6,3% trong cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters.

Tuy nhiên, kết quả này không gây nhiều ngạc nhiên cho các nhà đầu tư vì dữ liệu quốc gia từ đầu tuần này đã báo trước sự sụt giảm.

Lạm phát cơ bản - không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu - đã giảm xuống 5,3% từ 5,6%, thấp hơn dự kiến là 5,5%. Lạm phát cơ bản là chủ đề ngày càng được quan tâm trong các cuộc thảo luận chính sách của ECB.

ECB đã tăng lãi suất cơ bản tổng cộng 375 điểm cơ bản lên 3,25% trong năm qua để chống lại tình trạng giá cả tăng vọt.

Nhưng với áp lực giá cơ bản đã hình thành trong suốt năm 2023 ngay cả khi lạm phát nói chung đang trên đà giảm, ECB về cơ bản đã cam kết tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 15.6.

Một số nhà hoạch định chính sách có ảnh hưởng, bao gồm các thống đốc ngân hàng trung ương của Đức, Hà Lan và Ireland, cũng đang cân nhắc về việc tăng lãi suất vào tháng 7.

Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết, mặc dù ngân hàng đã thực hiện hầu hết các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn là 2%, nhưng chu kỳ này vẫn chưa kết thúc.

Mặc dù dữ liệu ngày 1.6 tương đối lạc quan, song vấn đề lạm phát của châu Âu còn phải lâu nữa mới được giải quyết do tốc độ tăng giá đối với nhiều mặt hàng cốt lõi, đặc biệt là dịch vụ, vẫn ở mức cao.

Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ giảm xuống 5,0% từ 5,2% trong khi lạm phát trong lĩnh vực hàng công nghiệp giảm xuống 5,8% từ 6,2%. Hai chỉ số này vẫn còn cao nhưng cả hai đều đang đi đúng hướng.

ECB cũng có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn phần nào khi lạm phát lương thực giảm từ 13,5% xuống 12,5%, dù áp lực ở mặt trận này dự kiến sẽ còn tăng trong một thời gian.

Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ING cho biết, triển vọng lạm phát của châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai động lực đối nghịch nhau. Giá năng lượng thấp hơn dự kiến do thời tiết mùa đông ấm áp có thể sẽ đẩy lạm phát giảm nhanh hơn so với dự báo gần đây.

Mặt khác, các khoản thanh toán tiền lương gần đây và áp lực vẫn còn khá lớn trong các dịch vụ có thể sẽ khiến lạm phát cơ bản ở mức cao.

Tăng lương của khu vực đồng euro đang dao động trong khoảng 5% đến 6%, gấp đôi tốc độ phù hợp với mục tiêu lạm phát của ECB.

Nhưng tiền lương cần phải bắt kịp sau khi lạm phát ăn sâu vào thu nhập thực tế trong nhiều năm và ECB đang hy vọng rằng một khi lạm phát chậm lại, tiền lương sẽ tăng theo.

Mặc dù đó là một kịch bản hợp lý, nhưng thị trường lao động của châu Âu đặc biệt chặt chẽ và các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, đang báo cáo tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng.

Một mối lo ngại tiềm ẩn khác đối với ECB là tăng trưởng kinh tế có vẻ kém bền vững hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Một loạt chỉ số cho thấy hoạt động công nghiệp có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế ngay cả khi dịch vụ bùng nổ.

Các nhà đầu tư tài chính sẽ thấy hai đợt tăng lãi suất nữa từ ECB, với đợt đầu tiên vào tháng 6 và lần thứ hai vào tháng 7 hoặc tháng 9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn