MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước Bức tường Than khóc. Ảnh: NGUYỄN VĂN DŨNG

Ngẩn ngơ chiều Jerusalem

NGUYỄN VĂN DŨNG LDO | 01/05/2018 14:00
Jerusalem là trung tâm của vùng đất rộng lớn phía Tây bán đảo Ả Rập, là nơi giao thương giữa ba lục địa Á - Âu - Phi, là nơi ngụ cư của nhiều bộ tộc khác nhau từ khắp nơi đổ về.

Trong đó tộc người Israel đến từ Ur (Iraq) và Philistine đến từ Crete (Hy Lạp) lớn mạnh hơn cả. Theo Cựu Ước, người Do Thái tin rằng vùng đất này có tên Canaan, là vùng “đất hứa” - vùng đất thượng đế hứa ban cho họ với điều ước phải tuyệt đối trung thành với ngài. 

Thánh địa chung của ba tôn giáo lớn

Hơn 3.000 năm trước, một người con ưu tú của tộc Israel là vua David đã thành lập Vương quốc Israel và xây dựng Jerusalem thành kinh đô. Đến đời con trai ông, vua Solomon cho xây thêm Ngôi đền thiêng huy hoàng, tráng lệ.

Rồi chiến tranh ly loạn xảy ra. Ngôi đền thiêng bị đốt. Được xây dựng lại, nhưng năm 70 SCN, đội quân của Titus La Mã dìm các cuộc khởi nghĩa của Israel trong biển máu, Jerusalem lại bị phá, Ngôi đền thiêng lại bị đốt, người Israel bị trục xuất phải lưu tán khắp nơi trên thế giới suốt 2.000 năm.

Tại Jerusalem, năm 30 SCN, Chúa Jesus sau một tuần thuyết giảng ở Ngôi đền thiêng; do giáo lý của ngài chống lại ách thống trị của đế quốc La Mã nên ngài bị kết án và bị đóng đinh trên thập giá. Sau nhiều thập kỷ thăng trầm, người Do Thái tin rằng Chúa Jesus chính là con của thượng đế vĩnh hằng. Họ bắt đầu tách ra khỏi Do Thái giáo để hình thành Thiên Chúa giáo. Nhà thờ Mộ Chúa trên đồi Golgotha ở Jerusalem, nơi Chúa bị đóng đinh và phục sinh, nay là nơi cực thánh của tôn giáo này.

Cũng tại Jerusalem 600 năm sau Chúa Jesus, đạo Hồi ra đời. Tín đồ Hồi giáo tin rằng Tảng đá nền, phần còn lại của Ngôi đền thiêng bị đốt là nơi đấng Tiên tri Muhammad đã cầu nguyện, cũng là nơi ngài cất cánh bay lên thiên đàng. Chính quyền Hồi giáo thống trị Jerusalem lúc bấy giờ lệnh cho xây một thánh đường lộng lẫy vòng lấy Tảng đá nền, và đặt tên là Thánh đường Đá (Dom of the Rock).

Thế là, Jerusalem trở thành thánh địa chung của ba tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, và Hồi giáo.

Năm 1981, thành cổ Jerusalem được UNESCO bầu chọn là Di sản Văn hóa Thế giới.

Nét đặc trưng của Jerusalem là thành phố nằm trên đồi đá, và được xây dựng bằng đá. Nhà thờ bằng đá, dinh thự bằng đá, nhà hàng khách sạn bằng đá, nhà ở bằng đá, tường bằng đá, bức tường bao quanh thành phố bằng đá, đường lát đá... Không ngạc nhiên gì khi lang thang trên những con phố chật hẹp của Jerusalem ta có cảm giác như lịch sử đang diễn ra, khi từng viên đá tranh nhau kể chuyện.

Có một sự giao thoa kỳ lạ giữa cũ và mới, giữa xưa và nay; giáo đường Do Thái giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhà thờ Hồi giáo; người Palestine, người Israel.

Jerusalem nhìn từ núi Cây Dầu. Ảnh: NGUYỄN VĂN DŨNG

Nhiều nơi để viếng thăm

Có quá nhiều nơi để viếng thăm, nhưng xin đừng quên Bức tường Than khóc. Năm 960 TCN, Solomon cho xây Ngôi đền thiêng, được xem là đệ nhất kỳ quan thời ấy. Ngôi đền được xây trên một Tảng đá nền. Người Do Thái tin rằng Tảng đá nền là nơi thượng đế làm công việc tạo dựng trái đất; là nơi ngài lấy đất sét nặn nên ông Adam; là nơi ngài thử thách niềm tin của tổ phụ Abraham; và là nơi cất giữ “Mười điều răn” của thượng đế. Bởi thế, ngôi đền là nơi cực kỳ thiêng liêng đối với các tín đồ Do Thái giáo.

Năm 586 TCN, ngôi đền bị đội quân xâm lược Babylon san bằng. Năm 516 TCN, đền được xây dựng lại huy hoàng và tráng lệ hơn. Nhưng đến năm 70 SCN, Ngôi đền thiêng lại bị đội quân La Mã đốt phá, chỉ còn lại bức tường (Wailing Wall).

Người Do Thái, suốt hơn 2.000 năm, tìm bằng mọi cách trở về Jerusalem, úp mặt vào bức tường để mà than khóc, tiếc thương, và cầu nguyện. Người ta gọi đó là Bức tường Than khóc hay Bức tường phía Tây (Western Wall).

Từ nhỏ, tôi đã rất ấn tượng với câu chào của người Do Thái. Lúc gặp nhau hay chia tay nhau, họ không nói bonjour hay good bye mà bao giờ cũng là Next year in Jerusalem - Năm sau hẹn gặp nhau ở Jerusalem. Đó không chỉ là lời chào mà là một nguyện ước, một ý chí, một lời thề. Nhờ thế mà suốt 2.000 năm lưu lạc trên khắp thế giới, họ vẫn luôn hướng về miền đất hứa; luôn tìm về Western Wall. Bức tường phía Tây chính là biểu tượng của lịch sử, văn hóa, hồn thiêng sông núi của người Israel.

Còn một nơi nữa cũng không thể không đến, đó là Con đường Hành khổ (Via Dolorosa) và nhà thờ Mộ Chúa (Holy Sepulchre). Con đường Hành khổ gồm 14 chặng, 2.000 năm trước Chúa từng chịu khổ nạn: Khởi đầu lúc Chúa bị kết án, Chúa vác thập giá, cho đến chặng cuối lúc Chúa bị đóng đinh, chết, và chôn vào mộ đá.

Tôi dừng lại rất lâu ở chặng thứ 4, nơi mẹ Maria gặp đứa con yêu dấu của mình. Dù là thánh nhân hay người thường, trái tim bà mẹ nào mà không tan nát trước nỗi đau và cái chết đến với con mình. Ôi, Via Dolorosa, con đường chỉ ngắn thôi mà sao dài thế. Đã đành đó là con đường tất yếu để Chúa sống lại, là con đường tất yếu để Chúa được vinh danh, nhưng sao lòng vẫn thấy rưng rưng.

Nhà thờ Mộ Chúa, là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất thế giới. Bằng phương pháp khoa học hiện đại, các nhà khoa học đã xác định được vị trí ngôi mộ Chúa Jesus. Đây là điểm thu hút rất nhiều tín đồ và du khách. Do mỗi lần chỉ vào được bốn người nên phải sắp hàng rất lâu.

Rời nhà thờ Mộ Chúa, lòng cứ vẩn vơ: Thành kính đến thế mà sao bài học của ngài đã 2.000 năm xem ra vẫn không nhiều người thuộc: Bác ái, nhân từ, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, tiết độ.

Buổi chiều, từ núi Cây Dầu ngắm hoàng hôn nhuộm vàng Jerusalem - cái thành phố chỉ bé từng ấy mà cất giấu trong lòng nó những 3.000 năm lịch sử. Ôi Jerusalem, 2 lần bị hủy diệt, 23 lần bị vây hãm, 52 lần bị tấn công, 44 lần trao qua đổi lại. Được mất, thắng thua, thành bại, vinh nhục từng nếm trải, hẳn người đã rút ra cho mình những bài học bổ ích.

2.000 năm trước, khi có người hỏi về Ngôi đền thiêng huy hoàng và tráng lệ ở Jerusalem, Chúa Jesus nói “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. Thế đấy, phàm cái gì có được từ giành sẽ bị giật, cái gì có được từ chiếm sẽ bị đoạt, cái gì tồn tại từ kiêu căng và tự mãn sẽ bị san bằng. Đơn giản thế nhưng chỉ những bậc thánh nhân mới nhận ra.

Rời thành phố, tôi xin các bạn trong đoàn hát tặng Jerusalem bài tạm biệt bằng tiếng Do Thái - Bài Shalom. Nội dung bài hát là, đã đến giờ chia tay, nhưng xin đừng buồn, vì chúng ta còn gặp lại nhau. Anh hướng dẫn viên giải thích, tiếng Do Thái Shalom còn có nghĩa là hòa bình. Vậy thì Jerusalem ơi, cầu mong hòa bình. Shalom. Shalom.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn