MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghị sĩ Đức Katarina Barley. Ảnh: Wiki

Nghị sĩ Đức tuyên bố EU cần hạt nhân riêng, không phụ thuộc Mỹ

Ngọc Vân LDO | 14/02/2024 13:06

EU không thể phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ mãi, mà cần hạt nhân riêng - một nghị sĩ nổi bật trong đảng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu không cần phải tiếp tục dựa vào Washington để răn đe hạt nhân - bà Katarina Barley, ứng cử viên hàng đầu của đảng cầm quyền Đức cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới, cho biết hôm 13.2.

Bà Katarina Barley, nghị sĩ Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã được yêu cầu bình luận về những nhận xét gần đây của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Washington không nên bảo vệ các đồng minh NATO không đáp ứng được mục tiêu đóng góp cho NATO.

Bà Barley nói với nhật báo Tagesspiegel của Đức: “Trước những tuyên bố gần đây của ông Donald Trump, chúng ta không còn có thể dựa vào việc Mỹ cung cấp cho các thành viên NATO châu Âu chiếc ô hạt nhân”. Bà nói thêm: “Một quả bom châu Âu” có thể trở thành một bước tiến trên con đường trở thành một “quân đội châu Âu”.

Theo bà Barley, nếu Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraina, EU sẽ “phải gánh trách nhiệm này” vì “chúng ta phải xem xét nghiêm túc những lời đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin và hành xử phù hợp”. Bà cáo buộc nhà lãnh Nga “công khai đặt câu hỏi về tính toàn vẹn lãnh thổ của Ba Lan và Lithuania”.

Nhận xét của bà Barley đã bị ông Martin Schirdewan, ứng cử viên Nghị viện châu Âu hàng đầu của đảng Die Linke lên án. Ông nói với AFP rằng, câu trả lời thích hợp cho những điều "vô nghĩa" đến từ ông Trump không phải là phổ biến vũ khí hạt nhân mà là giảm leo thang.

Ông Schirdewan cho biết: “Sẽ hợp lý hơn nếu EU cam kết thực hiện chính sách hòa giải, giải trừ quân bị và công bằng xã hội xuyên biên giới, đồng thời cáo buộc đảng SPD là “phá hoại”.

Ông Schirdewan nói thêm: “Nhiều bom nguyên tử hơn sẽ không làm cho thế giới an toàn hơn”, đồng thời chỉ ra rằng, kho vũ khí toàn cầu hiện nay có thể hủy diệt hành tinh này gấp 50 lần. Thay vì mơ về vũ khí hạt nhân, SPD nên thúc đẩy Đức “ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân”.

Cả Mỹ và EU đều đã gửi vũ khí, đạn dược và thiết bị trị giá hàng chục tỉ USD tới Ukraina trong hai năm qua, nhưng vẫn phải vật lộn để theo kịp yêu cầu của Kiev. Bình luận của ông Trump được đưa ra tại một cuộc vận động tranh cử, đề cập đến việc hàng chục thành viên NATO đã không chi 2% GDP đã thỏa thuận cho chi tiêu quốc phòng của các nước này.

Một nhà bình luận Mỹ kêu gọi cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ba Lan để “chống Trump” trong chính sách của Washington ở châu Âu. Warsaw vẫn chưa bình luận chính thức về ý tưởng này.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo phương Tây rằng, bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào với Nga sẽ nhanh chóng biến thành đối đầu hạt nhân, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ và EU thành thật với người dân của họ về điều này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn