MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sputnik - Vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới do Nga bào chế. Ảnh: AFP

Nghiên cứu mới tiết lộ những "điểm nóng do dự" tiêm vaccine trên toàn cầu

Lê Thanh Hà LDO | 12/09/2020 16:00
Một nghiên cứu mới đã tiết lộ về những "điểm nóng do dự" trên toàn cầu đối với niềm tin vào việc tiêm vaccine.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhóm từ Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, Đại học Hoàng gia London (Anh), Đại học Washington (Mỹ) và Đại học Antwerp (Bỉ) và công bố trên tạp chí y khoa The Lancet.

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ tháng 9.2015 đến tháng 12.2019 với hơn 284.000 người trưởng thành ở 149 quốc gia trong cuộc khảo sát được cho là lớn nhất về niềm tin với vaccine trên toàn cầu, nhằm xác định "các điểm nóng do dự", Metro đưa tin hôm 11.9.

Nghiên cứu cho biết niềm tin vào vaccine đã chứng kiến chiều hướng giảm mạnh mẽ tại một số nơi, đặc biệt, chỉ 1/5 số người tham gia khảo sát ở Lithuania và Albania đồng ý rằng tiêm vaccine là an toàn. Ở Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ, 3/4 người được hỏi trả lời rằng họ nghĩ tiêm vaccine có thể gây tổn hại lâu dài tới sức khỏe.

Ngoài ra, sáu quốc gia gồm Afghanistan, Azerbaijan, Indonesia, Nigeria, Pakistan và Serbia, đã chứng kiến ​​"sự gia tăng đáng kể" về số người không tin tưởng vaccine là an toàn. Một số "điểm nóng do dự" nhất đối với việc tiêm vaccine gồm Nhật Bản (17%), Lithuania (18%), Albania (19%) hay Hong Kong (Trung Quốc) (21%).

Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng tuyên bố do dự với việc tiêm vaccine là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.

Sự sụt giảm được các nhà nghiên cứu mô tả là "xu hướng đáng lo ngại", với thái độ tiêu cực phản ánh bất ổn chính trị và chủ nghĩa cực đoan. Khi cuộc đua tìm kiếm vaccine COVID-19 đang gay cấn, việc đánh giá thái độ của công chúng một cách thường xuyên và hành động nhanh chóng khi niềm tin đang giảm sút "phải là ưu tiên hàng đầu".

"Điều quan trọng với các mối đe dọa bệnh tật mới và đang nổi lên như đại dịch COVID-19 là chúng tôi thường xuyên theo sát thái độ của công chúng để nhanh chóng xác định những nơi đang suy giảm lòng tin, từ đó giúp ích cho việc xây dựng sự tin tưởng nhằm tối ưu hóa việc chấp nhận các loại vaccine mới", Giáo sư Heidi Larson, thuộc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Dù xác định sự sụt giảm niềm tin là do "tác động ngày càng tăng của phong trào chống vaccine tại địa phương", nghiên cứu cũng cho thấy niềm tin đang tăng lên tại Anh hay ở một số nước Châu Âu như Phần Lan, Pháp, Italia, Ireland. Tại Pháp, niềm tin vào vaccine đã tăng từ 22% vào năm 2018 lên 30% vào năm 2019. Ở Anh, con số này đã tăng từ 47% vào tháng 5.2018 lên khoảng 52% vào tháng 11.2019.

Hiện nhóm nghiên cứu do Giáo sư Larson dẫn dắt đang thu thập dữ liệu về thái độ của công chúng đối với vaccine COVID-19 thông qua các cuộc khảo sát trên toàn thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn