MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên mặc đồ bảo vệ đi lên tàu du lịch Diamond Princess chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu mới: Virus SARS-CoV-2 có thể sống tới 17 ngày trên bề mặt

Hải Anh LDO | 24/03/2020 17:03
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, virus gây dịch COVID-19 có thể sống trong các cabin của tàu Diamond Princess tới 17 ngày sau khi hành khách rời đi.

Virus SARS-CoV-2 có thể sống sót tới 17 ngày trên tàu du lịch Diamond Princess, theo dữ liệu mới được CDC công bố ngày 23.3. Kết quả này cho thấy virus sống trên bề mặt lâu hơn so với những nghiên cứu trước đây, CNBC đưa tin. 

Nghiên cứu đã xem xét các nỗ lực của chính phủ Nhật Bản và Mỹ để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát ở tàu Diamond Princess ở Nhật Bản và tàu Grand Princess ở California, Mỹ. 

Hành khách và thủy thủ đoàn trên cả hai tàu đã được cách ly trên tàu sau khi những hành khách từng có mặt trên tàu này và không có bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian trên tàu, cho kết quả mắc COVID-19 lúc vào bờ. 

Virus "được xác định trên nhiều bề mặt trong các cabin của cả hành khách bị nhiễm bệnh có triệu chứng và hành khách bị nhiễm bệnh không có triệu chứng tới 17 ngày sau khi các cabin bị bỏ trống trên tàu Diamond Princess. Kết quả này có trước khi việc khử trùng được thực hiện với các cabin" - các nhà nghiên cứu của CDC nêu rõ. Họ cũng nhấn mạnh rằng, kết quả này không có nghĩa là virus lây lan qua các bề mặt. 

Theo CDC, dịch COVID-19 trên các tàu du lịch có nguy cơ lây lan nhanh, gây ra sự bùng phát đối với những người đễ bị tổn thương. Để ngăn chặn dịch COVID-19 trên các tàu du lịch cần có những nỗ lực quyết liệt. 

Các nhà nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, CDC, Đại học California tại Los Angeles (UCLA) và Đại học Princeton của Mỹ trước đây phát hiện rằng, virus gây dịch COVID-19 có thể tồn tại tới 3 ngày trên nhựa và thép không gỉ. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng, lượng virus sống sót trên các bề mặt này giảm dần theo thời gian. 

Nghiên cứu mới được thực hiện để xác định cách thức "lây lan xảy ra trên nhiều hải trình của một số tàu". Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, tính tới ngày 17.3, có ít nhất 25 hải trình của tàu du lịch có các ca được xác định mắc COVID-19 trong hoặc sau khi hành trình kết thúc.

Gần một nửa, 46,5%, trong số các ca mắc COVID-19 trên tàu Princess Diamond không có triệu chứng khi họ được xét nghiệm, phần nào lý giải "tỉ lệ tấn công cao" của virus trong số hành khách và thủy thủ đoàn, theo CNBC. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 712 người trong số 3.711 người trên tàu Diamond Princess, tương đương 19,2% bị mắc COVID-19.

Tàu Diamond Princess cùng hơn 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn đã bị cách ly tại Yokohama, Nhật Bản ngày 4.2. Việc cách ly diễn ra sau khi một hành khách từng ở trên tàu này trở về từ Hong Kong (Trung Quốc) được chẩn đoán mắc COVID-19. 

Trong thời gian ngắn, Diamond Princess trở thành cụm COVID-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Có 9 người nhiễm bệnh đã tử vong sau khi rời tàu. 

Chính phủ Nhật Bản và các quốc gia khác sau đó đã sơ tán công dân của họ từ Diamond Princess. 

Con tàu khác trong nghiên cứu của CDC là Grand Princess. Tàu này đã buộc phải đậu ngoài khơi California sau khi 2 bệnh nhân xuống tàu ở California dương tính với virus. Có tổng số 78 ca mắc COVID-19 đã được xác nhận liên quan tới này này trong 2 hải trình khác nhau. 

Sau nhiều ngày, các quan chức California đã đưa tàu đến cảng Oakland và đưa hành khách đến các cơ sở cách ly liên bang. 

Cả tàu Diamond Princess và Grand Princess có hơn 800 ca mắc COVID-19, trong đó có 10 ca tử vong. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn