MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buồn giam nhà tù Romerike. Ảnh: NYT.

Ngỡ ngàng cuộc sống trong nhà tù “sướng nhất thế giới” ở Na Uy

Thanh Hà LDO | 23/11/2019 06:55
Khi tù nhân Na Uy được thả, quản giáo trao cho họ số điện thoại cá nhân và nói rằng: Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy gọi cho tôi.

Na Uy là đất nước có tỉ lệ tội phạm thấp. Na Uy có 26 vụ giết người trong năm 2018. Dù vậy, hệ thống giam giữ của Na Uy đã trở thành hình mẫu trên thế giới, theo New York Times. 

Đáng chú ý hơn, Na Uy có mạng lưới an toàn xã hội rộng lớn, gồm các khoản trợ cấp hưu trí và giáo dục, giúp đỡ tù nhân cả ở trong tù và sau khi được thả. Tù nhân Na Uy nhận mỗi ngày khoản trợ cấp khoảng 7,60 USD. Khoản tiền này họ có thể tiết kiệm hoặc chi tiêu mua sắm tại cửa hàng trong nhà tù.

Khuôn viên xanh của nhà tù Romerike. Ảnh: NYT.

Hầu hết nhà tù ở Na Uy đều được phân bổ ở vùng nông thôn. Nhà tù Halden được bao phủ bởi những cây bạch dương và thông nằm cách thủ đô Oslo khoảng 4 giờ lái xe. Nhà tù này có khoảng 200 tù nhân, khoảng 1/2 trong số này phạm các tội ác bạo lực, trong đó có giết người, cưỡng hiếp và tấn công.

Halden được xem là nhà tù có mức an ninh tối đa và nhân văn nhất thế giới. Bên trong các bức tường rào bêtông cao gần 8m là sự tĩnh tại lạ thường, không có âm thanh của những cánh cửa sắt, tiếng leng keng của còng giam hay tiếng la hét của tù nhân, quản giáo. Tù nhân có thể mặc quần áo của riêng họ và được tự do di chuyển trong khuôn viên một mình. Họ cũng có thể dễ dàng tận hưởng sự lưu thông của ánh sáng và không khí tự nhiên trong nhà tù này.

Cách Halden khoảng 100km về phía bắc là nhà tù Romerike tại thị trấn có khoảng 39.000 dân cư. Nhìn từ bên ngoài, nhà tù Romerike, giống như nhiều cơ sở giam giữ khác với hàng rào dây thép gai, trạm canh gác và các buồng giam rải rác trong khuôn viên nhưng bên trong là câu chuyện khác.

Tại nhà tù này, cửa sổ làm từ nhựa cứng nhờ vậy tù nhân có thể nhìn ra bên ngoài. Các tác phẩm nghệ thuật đương đại được trưng bày ở các hành lang.
Có các đường hầm kết nối các phòng giam với một quán ăn và một khu vực giải trí, cho phép các tù nhân di chuyển mà không cần quản giáo đi kèm. Các tù nhân có thể trang trí buồng giam bằng các vật dụng cá nhân. Có các khu vực với phòng tập thể dục, thư viện, lớp dạy nấu ăn, xưởng học nghề mộc...

Thư viện, cửa hàng tạp hóa ở nhà tù Romerike. Ảnh: NYT.

Tuy nhiên, có lẽ sự khác biệt đáng ngạc nhiên nhất là mối quan hệ giữa quản giáo và tù nhân. Mỗi quản giáo phụ trách 5-6 tù nhân, con số rất nhỏ so với 1 quản giáo phụ trách 50 tù nhân ở New York.

Ở Na Uy, các quản giáo giao tiếp với tù nhân qua các bữa ăn và chương trình tái hòa nhập cộng đồng sau khi được thả. Mối liên hệ đó, một quản giáo ở Romerike cho biết, khiến tù nhân và quản giáo có mối quan hệ kiểu như bạn bè. Và khi tù nhân được thả - hầu hết tất cả các tù nhân cuối cùng sẽ được thả - quản giáo trao cho họ số điện thoại cá nhân và nói rằng: Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy gọi cho tôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn