MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vệ tinh WISA Woodsat là vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Arctic Astronautics

Ngỡ ngàng với vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới

Ngọc Vân LDO | 15/06/2021 10:20
Một dự án đầy tham vọng sẽ đưa một vệ tinh nhỏ bằng gỗ lên quỹ đạo vào cuối năm nay để xem liệu nó có thể chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của không gian hay không.

WISA Woodsat là một vệ tinh hình lập phương kích thước 10cm, được lên kế hoạch phóng vào vũ trụ trên tên lửa Electron của công ty Rocket Lab ở New Zealand vào mùa thu năm nay, Cnet đưa tin.

Lên quỹ đạo chỉ là một phần của cuộc phiêu lưu. Khi đến đó, nhóm sẽ theo dõi khối lập phương nhỏ để xem vật liệu bằng gỗ dán của nó có chịu được lạnh, nhiệt, bức xạ và chân không của không gian hay không.

Woodsat là một vệ tinh hình lập phương kích thước 10cm. Ảnh: Arctic Astronautics

Woodsat là sản phẩm trí tuệ của Jari Makinen, người đồng sáng lập công ty Arctic Astronautics chuyên sản xuất vệ tinh dạng siêu nhỏ CubeSat. CubeSat là chương trình quốc tế được Đại học Bách khoa bang California (Mỹ) khởi xướng nhằm giúp các trường đại học, cao đẳng và công ty tư nhân đưa những vệ tinh nhỏ và nghiệp dư vào quỹ đạo với phí tổn thấp.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang cung cấp một bộ cảm biến để theo dõi hoạt động của vệ tinh và cũng sẽ giúp thử nghiệm trước chuyến bay.

Các bộ phận không phải bằng gỗ duy nhất ở bên ngoài vệ tinh là các thanh ray bằng nhôm để thả vệ tinh vào không gian và một gậy chụp ảnh selfie có thể kéo ra thu vào. Một CubeSat điển hình hơn sẽ được làm với nhiều thành phần kim loại hơn.

"Vật liệu cơ bản cho gỗ dán là gỗ bạch dương, tương tự như những gì bạn tìm thấy trong một cửa hàng đồ gỗ hoặc làm đồ nội thất" - kỹ sư trưởng Woodsat và đồng sáng lập Arctic Astronatics, Samuli Nyman, cho biết trong một tuyên bố của ESA.

Vật liệu cơ bản cho gỗ dán là gỗ bạch dương. Ảnh: Arctic Astronautics

Gỗ dán được sử dụng trong vệ tinh đã được làm khô và xử lý để giúp nó chống chịu tốt hơn trong điều kiện không gian. Nhóm của Woodsat dự tính vỏ ngoài của vệ tinh sẽ bị tối màu đi, nhưng cũng sẽ xem xét liệu có vết nứt nào phát sinh trong khi nó đi vào quỹ đạo hay không.

Nếu Woodsat hoạt động tốt, có thể thúc đẩy khả năng mới để sử dụng gỗ làm vật liệu khả thi trong không gian. "Cuối cùng, Woodsat chỉ đơn giản là một vật thể đẹp đẽ về thiết kế và sự đơn giản của Bắc Âu truyền thống, sẽ rất thú vị khi nhìn thấy nó trên quỹ đạo" - Makinen nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn