MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Ngoại giao Châu Âu kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraina

Song Minh LDO | 08/02/2022 11:55

Mátxcơva là điểm đến hàng đầu của các nhà lãnh đạo Châu Âu trong tuần này với mục đích tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Ukraina.

Tìm giải pháp hạ nhiệt

Hiếm khi trong những năm gần đây, Nga lại được giới lãnh đạo Châu Âu tích cực thăm viếng đến vậy. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã đến Nga vào tuần trước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Mátxcơva hôm 7.2 và trong những ngày tới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sẽ ở đó. Tất cả đều hy vọng tìm được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina.

Trước chuyến đi, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, ông nghĩ rằng có thể đạt được một thỏa thuận nhằm tránh xung đột quân sự ở Ukraina, nhưng việc Nga nêu ra những lo ngại về an ninh của chính mình là chính đáng. Ông Macron kêu gọi một "sự cân bằng mới" vừa bảo vệ các quốc gia Châu Âu vừa khiến Nga phải tôn trọng. Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng chủ quyền của Ukraina không được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm.

Nga đã di chuyển quân trong lãnh thổ gần biên giới Ukraina, nhưng phủ nhận cáo buộc của phương Tây rằng nước này có kế hoạch tấn công Ukraina. Mátxcơva đã đưa ra một loạt yêu cầu về an ninh với Mỹ và NATO, bao gồm cả việc NATO không được kết nạp Ukraina và giảm sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Mỹ và NATO đã trả lời yêu cầu của Nga, mặc dù không công khai chi tiết về nội dung hồi đáp, nhưng các yêu cầu chính nói trên của Nga đã bị bác bỏ. Thay vào đó, phương Tây đề xuất các lĩnh vực đàm phán khác, ví dụ đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Trước khi rời Paris, ông Macron nói với tờ Journal du Dimanche rằng mục tiêu của Nga "không phải là Ukraina, mà là làm rõ các quy tắc... với NATO và EU". Tổng thống Pháp cho biết, cuộc đối thoại của ông với người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể sẽ đủ để ngăn chặn xung đột quân sự nổ ra và ông tin rằng Tổng thống Putin sẽ cởi mở để thảo luận về các vấn đề rộng lớn hơn. Ông Macron cũng cảnh báo không nên kỳ vọng Mátxcơva sẽ thực hiện "các biện pháp đơn phương" để làm giảm leo thang tình hình, nói rằng Nga có quyền nêu lên những lo ngại của riêng mình. Nhưng ông Macron nhấn mạnh, việc thiết lập đối thoại với Nga không thể "vượt qua sự suy yếu của bất kỳ quốc gia Châu Âu nào".

“Chúng ta phải bảo vệ những người anh em Châu Âu của mình bằng cách đề xuất một sự cân bằng mới có khả năng duy trì chủ quyền và hòa bình của họ. Điều này phải được thực hiện với sự tôn trọng nước Nga và hiểu được những khó khăn đương thời của dân tộc vĩ đại và quốc gia vĩ đại này" - Tổng thống Pháp nói.

Ngoại giao phối hợp

Chuyến thăm Nga ngày 7.2 và Ukraina ngày 8.2 của Tổng thống Pháp được phối hợp với các đồng minh Đức và Mỹ và được coi là cơ hội để ông Macron trở nên nổi bật trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 4 tới. Trước đó, Tổng thống Pháp đã kêu gọi tái thiết mối quan hệ với Nga và hồi tháng 1, ông nói EU nên tự tổ chức cuộc đối thoại với Mátxcơva, thay vì dựa vào Washington.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 6.2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, nhằm thảo luận về những nỗ lực của NATO, Liên minh Châu Âu và các quốc gia khác nhằm giải quyết căng thẳng Nga-Ukraina. Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ: "Tổng thống Biden và Tổng thống Macron đã thảo luận về những nỗ lực răn đe cũng như ngoại giao hiện nay nhằm đối phó việc Nga gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraina... Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng đội ngũ của họ sẽ tiếp tục duy trì liên hệ và tăng cường tham vấn với các đồng minh và đối tác, bao gồm Ukraina”.

Ngoại giao Châu Âu đã giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quá khứ. Hòa giải của Pháp và Đức vào năm 2015 đã giúp chấm dứt các cuộc xung đột quy mô lớn ở miền đông Ukraina bùng phát vào năm 2014. Mới đây nhất, vào ngày 26.1, Paris đã tổ chức cuộc họp các cố vấn tổng thống của Nga, Ukraina, Đức và Pháp. Các bên đồng ý sớm gặp lại nhau tại Berlin.

Chuyên gia Nga Tatiana Kastoueva-Jean, từ Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), nhận định: “Ít nhất chúng ta có thể tín nhiệm Tổng thống Macron về việc duy trì đối thoại... Sẽ rất hữu ích nếu có một kênh để bày tỏ mối quan tâm của Châu Âu trực tiếp với Tổng thống Putin”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn