MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị sơ kết Ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 5.7. Ảnh: TTXVN

Ngoại giao kinh tế: Hiện thực hoá sứ mệnh “bứt tốc” phục hồi của Việt Nam

Hải Anh LDO | 09/07/2022 07:29

Đồng hành với từng “nhịp đập”, “hơi thở” của đất nước, ngành ngoại giao Việt Nam thời gian qua đã chủ động, linh hoạt triển khai công tác ngoại giao kinh tế thích ứng với tình hình mới, nhằm tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định trong bài viết Ngoại giao kinh tế - Sứ mệnh “bứt tốc”.

Nội ứng ngoại hợp

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ chỉ ra, trước khát vọng phục hồi mãnh liệt của đất nước, công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần hiện thực hoá sứ mệnh “bứt tốc” thể hiện bằng nhiều kết quả thực chất, nổi bật trong 6 tháng đầu năm. Phát huy mạnh mẽ “chuyên môn” của mình, ngành ngoại giao tích cực làm sâu sắc quan hệ kinh tế - thương mại và tháo gỡ vướng mắc trong hợp tác với các đối tác cả về chiều sâu và chiều rộng. 

"Thông qua các hoạt động đối ngoại song phương các cấp, đặc biệt là cấp cao, hợp tác kinh tế với các nước tiếp tục được chú trọng thúc đẩy. Trong bối cảnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương trực tiếp của Việt Nam được nối lại sau thời gian bị ngắt quãng do đại dịch COVID-19, các chuyến thăm, dù là của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài hay của lãnh đạo nước ngoài vào Việt Nam, đều đặt nội dung kinh tế làm ưu tiên hàng đầu, trong đó chú trọng các hợp tác về kinh tế số, tăng trưởng xanh, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu…" - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ thông tin.

Ông cho biết, những dấu ấn của ngoại giao phục vụ phát triển được thể hiện rõ nét trong các chuyến thăm, trong đó riêng chuyến dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc (11-17.5), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến 25 thỏa thuận được ký kết và trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước.

Đưa các hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, ngành ngoại giao không ngừng tăng cường các nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển và tháo gỡ các vướng mắc trong các trao đổi, tiếp xúc các cấp với các đối tác. Đặc biệt, đó là nỗ lực tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác tiềm năng như Mỹ Latinh, các nước Trung Đông - Châu Phi, các nước Nam Thái Bình Dương. 

Trong dấu ấn tham mưu ngoại giao kinh tế, Thứ trưởng chia sẻ, các báo cáo về tác động của xung đột Nga - Ukraina, biến động giá dầu, lạm phát, các sáng kiến liên kết kinh tế mới, thúc đẩy kinh tế số và xanh… cùng với hàng loạt các hoạt động tư vấn chính sách với nội dung và kết quả thực chất đã tham mưu thiết thực cho Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội, góp phần giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng hết sức ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trong dấu ấn xúc tiến, công tác đối ngoại hỗ trợ, đáp ứng kịp thời và trúng nhu cầu xúc tiến kinh tế đối ngoại của các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các địa phương, doanh nghiệp. Để phục vụ cho đất nước mở cửa du lịch quốc tế, Bộ Ngoại giao đã chủ động, nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp “khơi thông” dòng chảy du lịch và tích cực đàm phán, vận động công nhận hộ chiếu vaccine.

Ông thông tin thêm, song song với việc tiếp nối các thành quả ngoại giao kinh tế nổi bật như ngoại giao vaccine, ngành ngoại giao cũng tích cực triển khai, cụ thể hóa các nội hàm mới của ngoại giao kinh tế như ngoại giao khí hậu hay ngoại giao số, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của đất nước.

“Đột phá - mở đường”, “đồng hành” và “phục vụ”

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ chỉ ra, nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 hướng chính là “đột phá - mở đường”, “đồng hành” và “phục vụ”.

Trước hết, đột phá - mở đường là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đóng góp kịp thời, thiết thực và hiệu quả cho Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội. Triển khai Chỉ thị mới của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế đến năm 2030 ngay sau khi được ban hành, với quyết tâm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới đồng thời triển khai các nội hàm mới của ngoại giao kinh tế, đặc biệt là ngoại giao khí hậu và ngoại giao số.

Đồng hành với tất cả các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, cần tiếp tục tăng cường nội dung hợp tác kinh tế; đẩy mạnh hợp tác thương mại, lao động, du lịch, đào tạo nhân lực… và tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn trong hợp tác với các đối tác.

"Phục vụ tận tâm khát vọng, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới. Lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, những cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế cần thấm nhuần hơn nữa niềm vinh dự, trách nhiệm, tự hào của người cán bộ ngoại giao đang làm một sứ mệnh thiêng liêng là đóng góp, phụng sự Tổ quốc, nhân dân" - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn