MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP

Ngoại giao tháo ngòi nổ căng thẳng Ukraina

Hải Anh LDO | 17/02/2022 11:50

Tổng thống Joe Biden khẳng định sẵn sàng "cho ngoại giao mọi cơ hội để thành công", kêu gọi tiếp tục hoạt động ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraina trong khi Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Nga không muốn xảy ra chiến tranh ở Châu Âu và kêu gọi giải quyết xung đột ở Đông Ukraina thông qua tiến trình hòa bình Minsk.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15.2, ông Joe Biden nói với các công dân Nga rằng Mỹ và các đồng minh không phải là mối đe dọa với họ và còn nhiều dư địa cho ngoại giao với Nga để tránh xung đột ở Châu Âu.

Tổng thống Joe Biden cũng lạc quan, rằng ngoại giao sẽ giải quyết được khủng hoảng sau khi Nga công khai đề nghị tiếp tục đàm phán. "Chúng ta nên cho ngoại giao mọi cơ hội để thành công và tôi tin rằng có những cách thực sự để giải quyết những lo ngại về an ninh tương ứng của chúng ta"- ông Biden nói. 

Theo ông, Mỹ đang "đề xuất các biện pháp kiểm soát vũ khí mới, các biện pháp minh bạch mới, các biện pháp ổn định chiến lược mới" và "các biện pháp này áp dụng cho tất cả các bên - NATO và Nga như nhau". Trong đó, Mỹ sẵn sàng thực hiện các bước thiết thực, hướng đến kết quả có thể thúc đẩy an ninh chung. Ông khẳng định "vẫn còn nhiều dư địa cho ngoại giao và cho giảm leo thang. Đó là cách tốt nhất về phía trước cho tất cả các bên theo quan điểm của chúng tôi".  

Cũng trong ngày 15.2, Tổng thống Vladimir Putin thông tin, Nga không muốn xảy ra chiến tranh ở Châu Âu đồng thời kêu gọi giải quyết xung đột ở đông Ukraina thông qua tiến trình hòa bình Minsk. Tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Putin cho biết, Nga đã quyết định rút một phần quân khỏi khu vực gần Ukraina sau khi hoàn thành các cuộc tập trận. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhận thấy có một số không gian cho các cuộc thảo luận sâu thêm với phương Tây về các yêu cầu đảm bảo an ninh của Mátxcơva.

Ông Putin lưu ý, Nga tiếp tục coi các biện pháp răn đe của phương Tây là "mối đe dọa trực tiếp và tức thời với an ninh quốc gia". "Những phản hồi mà chúng tôi nhận được từ Mỹ và các thành viên NATO với các đề xuất đảm bảo an ninh, theo quan điểm của chúng tôi, không đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản của Nga" - ông Putin nói.

Theo nhà lãnh đạo Nga, nước này sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về việc hạn chế triển khai tên lửa tầm trung ở Châu Âu, minh bạch hóa các cuộc tập trận và các biện pháp xây dựng lòng tin khác nhưng phương Tây cần phải chú ý đến các yêu cầu chính của Nga. "Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục công việc chung này thêm nữa. Chúng tôi cũng sẵn sàng đi theo lộ trình đàm phán nhưng tất cả các vấn đề phải được xem xét một cách tổng thể, không tách rời các đề xuất chính của Nga. Thực hiện việc này là ưu tiên vô điều kiện với chúng tôi" - ông Putin lưu ý. 

Trong số yêu cầu của Điện Kremlin có nội dung Ukraina sẽ không bao giờ được phép gia nhập NATO và liên minh này sẽ lùi lại sự mở rộng của mình ở Đông Âu. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh NATO đã nhiều lần bác bỏ. 

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhất trí rằng chưa hết các phương án ngoại giao. Theo nhà lãnh đạo Đức, việc Nga thông báo rút quân gần biên giới với Ukraina là một "tín hiệu tốt" và ông hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều động thái tương tự tiếp sau. 

Theo Euro News, những ngày qua, Điện Kremlin đã phát đi tín hiệu vẫn còn chỗ cho hoạt động ngoại giao để tránh leo thang căng thẳng Ukraina. Tại cuộc điện đàm ngày 15.2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov rằng Mỹ vẫn đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền ông Joe Biden cho biết, Mỹ đang chờ phản hồi bằng văn bản của Nga với đề xuất hồi tháng trước từ Mỹ và NATO về "các lĩnh vực cụ thể để thảo luận". Ông Lavrov cho hay, một phản hồi “sẽ được gửi đi trong những ngày tới”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn