MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Phạm Sanh Châu. Ảnh: V.A

Ngoại giao văn hóa đưa hình ảnh và niềm tự hào dân tộc Việt ra thế giới

VÂN ANH (ghi) LDO | 16/08/2018 09:12

Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ với phóng viên Lao Động những câu chuyện thú vị cùng những tâm huyết về những năm tháng ông làm ngoại giao văn hóa.

Bề dày kinh nghiệm làm ngoại giao văn hóa sẽ giúp ông như thế nào khi nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Bhutan và Nepal?

- Tôi thấy đây là một cơ duyên lớn vì cuộc đời của tôi lớn lên, học tập, công tác chủ yếu ở các nước phương Tây, trong khi Ấn Độ là cả một nền văn minh tiểu lục địa, có hàng trăm ngôn ngữ và sắc tộc khác nhau. Ấn Độ là 1 trong 3 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, hợp tác chặt chẽ về chính trị, an ninh, quốc phòng và là 1 thị trường về du lịch, xuất khẩu mà chúng ta chưa khai thác hết. Với đất nước có 1,4 tỉ dân mà chỉ cần 1% số đó vào Việt Nam thì chúng ta đã có một lượng khách du lịch rất lớn.

Tôi sẽ cố gắng viết về Ấn Độ, vì đây là một nền văn hóa đa dạng. Đạo Phật vào Việt Nam từ Ấn Độ, nhưng hiện nay Phật giáo chỉ chiếm một phần nhỏ ở nước này, trong khi Hindu giáo là chủ yếu, bên cạnh cả Hồi giáo. Ấn Độ là xã hội có phân biệt đẳng cấp rõ ràng, các đẳng cấp đó sống với nhau như thế nào cũng là bài học để chúng ta có thể chiêm nghiệm. Tóm lại, Ấn Độ là điểm đến đầy thú vị mà chắc chắn có nhiều câu chuyện đang chờ đợi, và cá nhân tôi thấy thích thú hơn vì tôi làm về văn hóa.

Tất nhiên, tôi sẽ không quên những trách nhiệm quan trọng như tăng cường hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế thương mại và quan hệ truyền thống giữa 2 nước. Tôi chỉ có thể nói rằng, Ấn Độ là 1 trong ít những nước lớn mà trong lịch sử quan hệ với Việt Nam không có nghi kị hay tì vết nào. Hai bên có lòng tin chính trị cao, được Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng.

Ngoại giao văn hóa giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế như thế nào, thưa Đại sứ?

- Ngoại giao văn hóa trở thành 1 trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam hiện đại, nhằm vào các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam và Việt kiều. Nhiệm vụ lớn nhất của ngoại giao văn hóa là giúp người dân thế giới hiểu đúng, hiểu rõ về con người Việt Nam và ủng hộ Việt Nam; quảng bá hình ảnh bản sắc và niềm tự hào dân tộc của Việt Nam ra thế giới; thúc đẩy du lịch, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của địa phương và phát triển kinh tế xã hội.

Hiện nay, ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực ở 95 cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, bằng những công việc cụ thể như tổ chức kỷ niệm Quốc khánh, giới thiệu món ăn, ẩm thực Việt Nam, áo dài...

Chúng ta cũng đang đẩy mạnh ngoại giao văn hóa gắn liền với các hoạt động chính trị, như làm thế nào để các bài diễn văn của lãnh đạo có hàm lượng văn hóa cao hơn, kể được những câu chuyện văn hóa đặc sắc của Việt Nam, có thể “lẩy thơ” của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, hay bắt đầu câu chuyện bằng hoa sen Hồ Tây hoặc những danh thắng, giống như các nước đã làm như vậy.

Ngoại giao văn hóa suy cho cùng cũng là để bảo vệ bản sắc của chúng ta, vì hiện nay, chúng ta đang tiếp thu những văn hóa tích cực, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều trào lưu văn hóa khác. Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa phải thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Lấy ví dụ, Tổng thống Emmanuel Macron muốn vinh danh bánh mì baguette, khiến cho bánh mì vốn đã rất nổi tiếng ở Pháp được “phủ sóng” trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, làm nước mắm cũng có thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể, giống như quy trình sản xuất và uống bia Bỉ đã được vinh danh là di sản phi vật thể của UNESCO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn