MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa ngoại hành tinh lang thang (màu xanh) có một mặt trăng (màu cam) nơi có thể hỗ trợ sự sống ngoài Trái đất. Ảnh: University of Lincoln

Ngoại hành tinh lang thang có vệ tinh thích hợp cho sự sống ngoài Trái đất

Thanh Hà LDO | 15/06/2021 12:15

Mặt trăng hay vệ tinh của những ngoại hành tinh lang thang có thể có nước và là nơi thích hợp để tìm kiếm sự sống.

Nhân loại vẫn chưa tìm thấy sự sống ngoài hành tinh nhưng một nghiên cứu mới chỉ ra, mặt trăng của những hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời không liên kết với một ngôi sao chủ, tức những ngoại hành tinh lang thang, có thể là nơi thích hợp để tìm kiếm sự sống.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Sinh học Vũ trụ Quốc tế do nhóm các nhà khoa học dưới sự dẫn dắt của nhà thiên văn học Patricio Javier vila của Đại học Concepción ở Chile thực hiện.

Mặt trăng của những ngoại hành tinh lang thang có thể có những điều kiện chín muồi cho khí quyển và nước ở dạng lỏng, nhờ bức xạ vũ trụ và lực thủy triều của hành tinh. Lực thủy triều từ hành tinh lên mặt trăng có thể là nguồn nhiệt để giữ nước ở trạng thái lỏng, theo nhóm nghiên cứu.

Nếu carbon dioxide chiếm 90% bầu khí quyển của mặt trăng, có thể có một hiệu ứng nhà kính đủ lớn để giữ nhiệt và giữ nước ở dạng lỏng.

Các nhà nghiên cứu lưu ý, không rõ có bao nhiêu ngoại hành tinh lang thang nhưng "ước tính thận trọng" cho thấy mỗi ngôi sao trong Dải Ngân hà chứa ít nhất một "hành tinh mồ côi" có kích thước bằng sao Mộc. Dải Ngân hà có hơn 100 tỉ ngôi sao, nên khả năng cao là có hơn 100 tỉ hành tinh lang thang.

Những mặt trăng của các ngoại hành tinh lang thang vẫn chưa chính thức được phát hiện dù ứng viên đầu tiên đã được xác định tháng 10.2018. Cách Trái đất hơn 8.000 năm ánh sáng, vật thể này quay quanh ngôi sao Kepler-1625. Ứng viên này được cả kính viễn vọng không gian Hubble và Kepler phát hiện.

Có 6 ứng viên mặt trăng ngoài Hệ Mặt trời khác được cho là được phát hiện tháng 6.2020.

Kính viễn vọng Hubble và Kepler của NASA đã phát hiện ra bằng chứng về một vật thể cách Trái đất hơn 8.000 năm ánh sáng có thể là mặt trăng ngoài Hệ Mặt trời. Ảnh: NASA

Nghiên cứu mới cũng lưu ý, nếu nước có thể hình thành với một lượng đáng kể trong khí quyển, nó có thể được giữ ở dạng lỏng. Lượng nước sẽ nhỏ hơn 10.000 lần so với thể tích của các đại dương trên Trái đất, nhưng nhiều hơn 100 lần so với nước được tìm thấy trong bầu khí quyển của Trái đất.

"Điều này sẽ đủ để cho phép sự sống khai triển và phát triển" - các nhà nghiên cứu cho hay.

“Sự hiện diện của nước trên bề mặt của mặt trăng ngoài Hệ Mặt trời bị ảnh hưởng bởi khả năng giữ nhiệt độ cao hơn điểm nóng chảy của khí quyển, có thể thúc đẩy sự phát triển của hóa học tiền sự sống" - các tác giả lưu ý.

Theo nhóm nghiên cứu, trong những điều kiện này, nếu các thông số quỹ đạo ổn định để đảm bảo nhiệt thủy triều liên tục khi nước được hình thành sẽ ở dạng lỏng trong suốt toàn bộ quá trình tiến hóa hệ thống, do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của sự sống.

Đây không phải lần đầu tiên mặt trăng ngoài Hệ Mặt trời được cho là có khả năng có nước ở dạng lỏng và hỗ trợ sự sống.

Tháng 6.2019, một nhà vật lý thiên văn Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, cho biết, các mặt trăng ngoài Hệ Mặt trời có thể nóng lên vì lực hút của hành tinh và cung cấp một con đường đầy hứa hẹn để tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.

Một số mặt trăng trong Hệ Mặt trời được cho là có các đại dương ngầm có thể là nơi có sự sống như mặt trăng Enceladus của sao Thổ và các mặt trăng Ganymede, Callisto và Europa của sao Mộc. Đầu tháng 6, tàu vũ trụ Juno của NASA vừa cung cấp hình ảnh cận cảnh mặt trăng Ganymede của sao Mộc.

Theo Space.com, các chuyên gia tin rằng có thể có tới 100 ngoại hành tinh có mặt trăng ngoài Hệ Mặt trời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn