MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị Ngoại trưởng G7 được tổ chức ở Karuizawa, Nagano, Nhật Bản từ ngày 16-18.4.2023. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng G7 họp bàn về an ninh châu Âu, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Khánh Minh LDO | 17/04/2023 06:21

Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra từ ngày 16-18.4 ở Karuizawa, Nagano, Nhật Bản, sẽ tập trung bàn thảo về an ninh của cả châu Âu và Ấn Độ Dương.

Hội nghị Ngoại trưởng G7, với sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada, Italy và một đại diện của Liên minh châu Âu (EU), diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh G7 mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ chủ trì tại Hiroshima vào tháng 5.

Hội nghị diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới hôm 13.4 - vụ phóng mới nhất trong một loạt các cuộc thử nghiệm thời gian gần đây.

Với tư cách là nước chủ nhà năm nay, Nhật Bản muốn đảm bảo rằng, các thách thức khu vực là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và sẽ tuyên bố rõ xung đột Nga - Ukraina chỉ làm tăng nhu cầu cảnh giác ở châu Á.

"Lập trường cơ bản của Nhật Bản đối với xung đột Nga - Ukraina là an ninh của châu Âu và của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không thể được thảo luận riêng rẽ, chúng đan xen với nhau", một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết trước hội nghị.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau chuyến thăm Trung Quốc đã phát biểu rằng, châu Âu cần phải thức tỉnh, cần phải gia tăng sự tự chủ chiến lược, tránh phụ thuộc vào đồng USD. Đáng chú ý hơn, Tổng thống Pháp đề cập đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và nhận định châu Âu cần phải tránh cái bẫy là phải chọn phe và bị lôi kéo vào những cuộc khủng hoảng không phải của châu Âu. 

Phát biểu của ông Macron đang gây ra rất nhiều tranh luận ở châu Âu. Paris đã nỗ lực để xoa dịu phản ứng, khẳng định quan điểm của Pháp không thay đổi và hầu hết các nhà quan sát mong đợi G7 sẽ nhắc lại các lập trường trước đây cảnh báo Trung Quốc chống lại việc "thay đổi hiện trạng bằng vũ lực".

Tuy nhiên, ông Paul Nadeau - phó giáo sư khoa học chính trị tại cơ sở Nhật Bản của Đại học Temple (Mỹ) - cho biết, những bình luận của ông Macron phơi bày một thực tế đối với G7, đó là "mỗi thành viên của G7 vẫn muốn có một chút quyền tự chủ trong cách họ theo đuổi quan hệ với Trung Quốc. Họ không muốn cam kết quá mức, họ muốn duy trì một số quyền tự chủ".

Vì vậy, mặc dù Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu tại hội nghị Ngoại trưởng G7, song nhóm sẽ dễ dàng tìm thấy đồng thuận hơn về xung đột Ukraina. Nhiều khả năng các ngoại trưởng một lần nữa sẽ yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức và cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraina.

G7 đã cùng nhau áp đặt các biện pháp trừng phạt đáng kể đối với Nga, điều đó khiến cuộc họp khó có thể đưa ra các biện pháp mới thực chất. Thay vào đó, hội nghị sẽ đặt trọng tâm mới vào vấn đề an ninh kinh tế và nhu cầu cấp thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ năng lượng đến chất bán dẫn. Mỹ và Nhật Bản đã cảnh báo về nguy cơ "cưỡng bức kinh tế" và các Ngoại trưởng G7 dự kiến cam kết các biện pháp chống lại nỗ lực bóp méo nguồn cung.

Ngoài ra, hội nghị Ngoại trưởng G7 cũng sẽ đề cập đến các cuộc khủng hoảng quốc tế từ việc Taliban tiếp tục kiểm soát Afghanistan đến các vấn đề về không gian, an ninh mạng và thông tin sai lệch.

An ninh ở Karuizawa, phía tây Tokyo, sẽ được thắt chặt, sau vụ một đối tượng ném thiết bị nổ về phía Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngay trước khi ông chuẩn bị trình bày diễn văn vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại thành phố Wakayama ở miền tây hôm 15.4. Sau vụ việc, Cảnh sát quốc gia Nhật Bản đã được yêu cầu thực hiện các biện pháp toàn diện để bảo vệ cho các quan chức cấp cao nước này. Ban tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G7 cho biết, vụ việc sẽ không ảnh hưởng đến thời gian biểu hội nghị tại Karuizawa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn